Thanh Hóa: Cần đảm bảo chất lượng đô thị sau sáp nhập đơn vị hành chính

Ngày 15/4, Đoàn giám sát chuyên đề về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng làm trưởng đoàn công tác, đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), toàn tỉnh Thanh Hóa chỉ còn 559 ĐVHC cấp xã giảm 76 đơn vị. Tỉnh đã giải quyết được 944/1.419 cán bộ, công chức chức cấp xã dôi dư; thôi việc, chấm dứt hợp đồng với 1.523 người hoạt động không chuyên trách và hiện tại đã xây dựng phương án bố trí, sắp xếp đối với 475 số công chức còn lại. Tỉnh đã bố trí 84 công sở đang sử dụng làm công sở của ĐVHC mới, trụ sở công an xã, nơi làm việc của mặt trận… , còn 59 công sở đang nghiên cứu, đề xuất phương án chuyển đổi. Các trạm y tế cơ bản được giữ nguyên để bảo đảm thuận lợi cho công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân…

Liên quan đến sắp xếp, nhập các ĐVHC nông thôn vào ĐVHC đô thị để mở rộng các đô thị, một số ý kiến thành viên đoàn giám sát bày tỏ băn khoăn trước thực trạng chưa có sự khác biệt rõ ràng về chất lượng đô thị giữa trước và sau khi sắp xếp ĐVHC; các thị trấn được mở rộng thêm diện tích và dân số sau khi nhập với xã thì chất lượng đô thị thấp hơn so với trước do mật độ dân số thấp, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu.

Bà TRẦN THỊ LAN ANH, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng : “Nhìn lại lịch sử phát triển của 24 thị trấn, phần lớn được thành lập từ năm 1988, 1989 phải mất 15 - 20 năm để đạt tiêu chí, cần phải có thời gian điều chỉnh quy hoạch. Quốc hội yêu cầu 5 năm trả nợ tiêu chí thì các đồng chí làm như thế nào?”.

Ông ĐỖ TRỌNG HƯNG, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, tỉnh Thanh Hóa: “Thành phố Sầm Sơn có mở rộng thì mới có sự phát triển. Nhập vào bước đầu chất lượng đô thị sẽ giảm nhưng về lâu dài thì phát triển tốt. Đề nghị kéo dài thời gian thực hiện.”

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, tỉnh Thanh Hóa là địa phương đi đầu trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, với tinh thần chủ động, chuẩn bị từ trước, góp phần tiết kiệm ngân sách, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở. Đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm tạo nguồn lực để phát triển các đơn vị hành chính, thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính đô thị với đơn vị hành chính nông thôn.

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Tỉnh quan tâm đến việc đầu tư nguồn lực để phát triển đơn vị hành chính đô thị sau sáp nhập. Đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu theo hướng có quy định nhất định (khi sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị) để tránh ảnh hưởng đến chất lượng đô thị”.

Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Đoàn giám sát sẽ đưa vào tổng hợp chung để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, tiến tới đưa việc sắp xếp các ĐVHC ngày càng đi vào thiết thực và hiệu quả hơn.

Thực hiện : Thùy Linh Tùng Dương

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thanh-hoa-dam-bao-chat-luong-do-thi-sau-sap-nhap-don-vi-hanh-chinh