Thanh Hóa: Cảng Hòa Lộc bồi lắng, ngư dân lo tàu thuyền mắc cạn
Cảng cá Hòa Lộc, xã Hoa Lộc (Thanh Hóa) đến nay, sau gần hai thập kỷ vận hành, cảng đang đối mặt với tình trạng bồi lắng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục vụ tàu thuyền, đặc biệt là trong bối cảnh mùa mưa bão đang cận kề.
Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Nguyễn Đình Ánh, Phó giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa, phụ trách Cảng Hòa Lộc cho biết: Cảng được xây dựng từ năm 2007, trên diện tích 3ha (1,5ha mặt nước) với tổng mức đầu tư hơn 90 tỷ đồng.

Cảng cá Hòa Lộc, xã Hoa Lộc (Thanh Hóa) đến nay, sau gần hai thập kỷ vận hành, cảng đang đối mặt với tình trạng bồi lắng nghiêm trọng.
Ban đầu, cảng thuộc quản lý cấp huyện, nhưng từ năm 2015 đã được chuyển giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường). Trong suốt những năm qua, cảng đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận và tiêu thụ hải sản, đồng thời là nơi neo đậu tránh bão cho tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh.
Mỗi năm, cảng đón hàng nghìn lượt tàu thuyền vào ra để bốc dỡ hàng hóa và thực hiện các hoạt động hậu cần nghề cá. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, đã có 1.381 lượt tàu cập cảng và 1.337 lượt rời cảng. Tuy nhiên, theo ông Ánh, vấn đề lớn nhất hiện nay là tình trạng bồi lắng nghiêm trọng ở luồng lạch, điều này ảnh hưởng đến khả năng ra vào cảng, trong khi chưa có biện pháp nạo vét kể từ khi cảng đi vào hoạt động.

Bùn cát tích tụ nhiều năm, khiến luồng lạch ngày càng thu hẹp.
Bùn cát tích tụ qua nhiều năm, đặc biệt tại khu vực chân cầu cảng, đã khiến nhiều vị trí bị bồi lấp hơn 1 mét. Luồng lạch ngày càng thu hẹp, gây cản trở lớn cho hoạt động ra vào cảng, nhất là đối với tàu công suất lớn theo Nghị định 67/NĐ-CP.
"Nhiều tàu phải neo đậu ngoài khơi, chờ nước lớn mới vào được, có khi phải chờ cả ngày hoặc đêm, rất mất thời gian và nguy hiểm trong điều kiện thời tiết xấu", ông Ánh chia sẻ.
Tình trạng phụ thuộc vào thủy triều làm hoạt động bốc dỡ hàng hóa kém linh hoạt, ảnh hưởng đến tiến độ khai thác và tiêu thụ hải sản. Ngư dân phải tính toán kỹ thời điểm vào cảng để tránh mắc cạn, gây thiệt hại về sản lượng và chi phí vận hành.
Từ tháng 9, triều lên vào sáng sớm, nếu không vào kịp, tàu phải chờ hoặc di chuyển sang nơi khác, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và giảm năng suất khai thác.

Đã có nhiều tàu của ngư dân tỉnh ngoài bị mắc cạn, do chưa nắm được giờ con nước.
Hệ thống cơ sở hạ tầng tại cảng hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng và không còn đáp ứng được nhu cầu thực tế. Các hạng mục như cầu cảng, mái che, nhà phân loại, khu vực dịch vụ hậu cần và âu tránh trú bão đều được xây dựng từ lâu, theo thiết kế lạc hậu.
Do không được đầu tư nâng cấp và duy tu thường xuyên, nhiều hạng mục hiện đã hư hỏng, không phát huy hết năng lực, gây khó khăn trong việc tổ chức dịch vụ cho tàu thuyền.

Nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng.
Theo khảo sát của phóng viên, khu vực cửa lạch, cửa âu, lòng âu tránh trú bão và vùng nước trước cầu cảng đều bị bồi lấp nghiêm trọng. Không chỉ tàu công suất lớn, mà cả các tàu cỡ trung và nhỏ cũng gặp khó khăn khi vào khu vực này. Trong mùa gió bão hoặc áp thấp nhiệt đới, các tàu khai thác xa bờ phải chờ con nước mới vào được tránh trú, gây rủi ro lớn đối với an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân.
Ngư dân Bùi Văn Nhất, xã Hòa Lộc chia sẻ: "Cảng không chỉ là nơi đưa sản phẩm lên bờ mà còn là nơi trú ẩn khi có thiên tai. Bồi lắng khiến tàu vào cảng khó khăn, có khi phải chờ nhiều giờ. Nhiều tàu ngư dân tỉnh ngoài đã mắc cạn vì không nắm được giờ con nước. Nếu gặp bão, rất nguy hiểm. Chúng tôi mong chính quyền sớm nạo vét luồng lạch để đảm bảo an toàn cho ngư dân".

Luồng lạch ngày càng thu hẹp, gây cản trở lớn cho hoạt động ra vào cảng.
Ông Lê Ngọc Hưng, chủ 2 tàu cá công suất lớn nhấn mạnh: "Cải tạo, nạo vét luồng lạch và nâng cấp hạ tầng cảng là cần thiết. Chính quyền cần đầu tư đồng bộ các hạng mục như cầu cảng, khu hậu cần và bảo vệ chống xâm thực mặn, sóng lớn. Những giải pháp này sẽ giúp cảng phát huy vai trò trung tâm hậu cần nghề cá, phục vụ tốt đội tàu lớn và đảm bảo an toàn cho ngư dân khi thiên tai xảy ra".
Ông Nguyễn Đình Ánh, Phó giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa cho biết: "Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, đặc biệt là Luật Thủy sản 2017, về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Đồng thời, chúng tôi sẽ báo cáo cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm quy định. Công tác quản lý, sắp xếp khu dịch vụ trong cảng cũng sẽ được tăng cường, đảm bảo khoa học và hiệu quả".
"Về lâu dài, chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng, nạo vét luồng lạch và bảo đảm mức nước ổn định, giúp tàu ra vào thuận lợi mà không phụ thuộc vào thủy triều", ông Ánh cho biết thêm.