Thanh Hóa: Chạy đua cùng công cuộc chuyển đổi số
Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển nhanh, mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang có sự phát triển và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong sự phát triển đó, có nội dung về chuyển đổi số.
Chuyển đổi số (Digital Transformation) được hiểu là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, định hình cách sống, làm việc và liên hệ với nhau. Chuyển đổi số mang lại lợi ích to lớn cho chính quyền, doanh nghiệp và cuộc sống của người dân. Đó trước hết là việc thay đổi tư duy, cách thức xây dựng và thực thi chính sách một cách linh hoạt hơn, hiệu quả hơn.
Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Thanh Hóa
Ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống dịch Covid-19
Thời gian qua, Thanh Hóa đã phát triển nhiều bộ công cụ ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhận được nhiều kết quả tích cực. Nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành về phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh cũng như cung cấp nhanh và kịp thời các thông tin về tình hình dịch bệnh đến với người dân, Sở TT&TT Thanh Hóa đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như đưa “chuyên trang về phòng, chống dịch Covid-19 và ứng dụng Smart Thanh Hóa” vào thực tiễn.
Trong đó, chuyên trang thông tin phòng, chống dịch bệnh tỉnh Thanh Hóa tại địa chỉ: http://covid19.thanhhoa.gov.vn phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo COVID-19 tỉnh Thanh Hóa. Chức năng của trang cho phép thông báo, cập nhật thông tin mới về dịch bệnh COVID-19 trên Thế giới, tại Việt Nam và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài ra, cho phép người dân phản ánh về các trường hợp nghi có người nhiễm COVID-19; lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; phản ánh giá cả thị trường trang thiết bị y tế đến các cơ quan chức năng liên quan; giám sát, phản ánh về các trường hợp cách ly trong cộng đồng.…
Chuyên trang thông tin phòng, chống dịch bệnh tỉnh Thanh Hóa
Ngoài chuyên trang thông tin phòng, chống dịch Covid-19, mới đây Sở TT&TT Thanh Hóa tiếp tục phát triển ứng dụng phần mềm “Smart Thanh Hóa” trên nền tảng di động (android, iOS). Người dân có thể theo dõi toàn diện, tổng thể diễn biến tình hình dịch bệnh, lịch sử di chuyển của các F, cũng như vùng cách ly y tế tập trung, cơ sở y tế, chốt kiểm soát và lịch sử dịch tễ liên quan, thông tin các đối tượng cách ly tại nhà... Qua đó, giúp người dân biết và không di chuyển đến các điểm nóng, tránh lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Theo báo cáo nhanh của Sở TT&TT Thanh Hóa cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay đã có trên 17 nghìn lượt tải ứng dụng Smart Thanh Hóa. Đây là một trong những kênh thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và cung cấp các chức năng hỗ trợ người dân trong khai báo, tìm kiếm cơ sở y tế, phản ánh kiến nghị… liên quan đến dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch; chấn chỉnh việc đăng tải, chia sẻ thông tin trên các trang, nhóm mạng xã hội. Thời gian qua, Sở TT&TT Thanh Hóa đã xử phạt nhiều trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng Internet.
Nỗ lực chuyển đối số vì một tương lai thịnh vượng
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và kinh tế số của địa phương, Thanh Hóa đã và đang nỗ lực trở thành tỉnh dẫn đầu và tập trung các cơ quan, đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xem đây là nền tảng cơ bản để phát triển chính quyền số và xây dựng nền kinh tế số.
Thanh Hóa đã chú trọng xây dựng chính quyền điện tử trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Đây được đánh giá là hướng đi đúng đắn để xây dựng môi trường giao tiếp giữa chính quyền với Nhân dân một cách văn minh, hiện đại, an toàn, tăng “chỉ số minh bạch” của nền hành chính Nhà nước.
Từ năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu đưa vào hoạt động hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh, giúp số hóa toàn bộ hệ thống báo cáo theo Quyết định số 39/2019/QĐ-UBND ngày 03/12/2019 của UBND tỉnh về việc Quy định chế độ báo cáo định kỳ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời giúp đồng bộ với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Việc đưa vào hoạt động phần mềm chấm điểm chỉ số cải cách hành chính; chấm điểm mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và UBND cấp huyện cũng sẽ tạo ra tác động tích cực, đổi mới trong việc xây dựng bộ máy hành chính.
Chuyển đổi số ở Thanh Hóa tiết kiệm trên 63 tỷ đồng chi phí hành chính
Theo thống kê, đến nay, tỷ lệ văn bản gửi qua mạng của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện đạt 94,77% (toàn quốc 86,5%); cung cấp dịch vụ công mức độ 3 đạt tỷ lệ 89,52%, mức độ 4 đạt 83,70%.
Ngoài ra, với sự chỉ đạo quyết liệt, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Thanh Hóa đã trở thành một trong những tỉnh nằm trong top đầu của cả nước triển khai hiệu quả xử lý văn bản trên môi trường điện tử và chữ ký số với tỷ lệ đạt 99%, mỗi năm tiết kiệm trên 63 tỷ đồng chi phí hành chính của các cơ quan Nhà nước.
Trong những năm qua, Thanh Hóa đã quan tâm và cơ bản hoàn thiện môi trường pháp lý, đầu tư hạ tầng, ứng dụng CNTT, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng chính quyền điện tử... Đến nay, hạ tầng viễn thông, CNTT từng bước được triển khai cơ bản đồng bộ, hiện đại; ứng dụng CNTT trong cơ quan Đảng, chính quyền có bước đột phá quan trọng; ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh.
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Thanh Hóa luôn duy trì là địa phương đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới. Cùng với sự phát triển nhanh về số lượng, các doanh nghiệp trong tỉnh đã nhanh chóng tiếp cận xu hướng chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phục vụ quá trình điều hành sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Theo ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở TT&TT Thanh Hóa cho biết, mục tiêu hướng đến trong quá trình thực hiện chuyển đổi số nhằm đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan, tổ chức; quy trình, quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân, tạo bước đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, góp phần xây dựng tỉnh Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững.
Chuyển đổi số đang có những tác động không nhỏ vào trong cuộc sống hàng ngày, khi người dân có thể trải nghiệm các dịch vụ công hay các dịch vụ được cung cấp từ các doanh nghiệp ngày càng thuận tiện, nhanh chóng hơn, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện để người dân tham gia một cách chủ động vào quy trình đưa ra quyết định, tổ chức thực thi chính sách dưới sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ; đồng thời, cho phép người dân tiếp cận gần hơn với hoạt động của Nhà nước để nêu ý kiến và cùng phối hợp trong quản lý, điều hành.
Chuyển đổi số, đầu tiên là chuyển đổi nhận thức, thay đổi mô hình hoạt động, mô hình kinh doanh. Các giá trị mà chuyển đổi số tạo ra chính là phục vụ nhân dân, do vậy việc chuyển đổi số cần được mở rộng phạm vi trên địa bàn nhằm giúp cho chính quyền quản lý mọi hoạt động tốt hơn, nhân dân phát triển kinh tế hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thanh-hoa-chay-dua-cung-cong-cuoc-chuyen-doi-so-post164564.html