Thanh Hóa: Chính quyền chủ động triển khai cùng dân chống bão
Chiều 14/10, bão số 7 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thanh Hóa. Tại các huyện ven biển, công tác phòng chống bão đã được cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động triển khai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Lãnh đạo địa phương giúp ngư dân di chuyển thuyền vào nơi tránh bão. Ảnh: Quang Duy
Trước đó, vào chiều 13/10, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Văn Thi, Mai Xuân Liêm, Nguyễn Đức Quyền và Phạm Đăng Quyền đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão tại các địa phương ven biển, nơi chịu ảnh hưởng mạnh của bão số 7, bao gồm các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, TP Sầm Sơn và Thị xã Nghi Sơn.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chính quyền địa phương cùng cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng trên địa bàn tập trung chỉ đạo các xã ven biển tuyệt đối không cho tàu cá ra khơi, không để người dân ở lại trên lồng, bè nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, bố trí, sắp xếp vị trí neo đậu an toàn cho tàu thuyền của các tỉnh khác vào neo đậu tránh trú bão. Các địa phương sẵn sàng phương án ứng phó với bão số 7 theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có mưa, bão xảy ra. Đồng thời dừng thi công các công trình đang thi công để bảo đảm an toàn cho người lao động và tài sản.
Xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa có 275 chiếc bè mảng đã được di chuyển đến neo đậu an toàn. Ảnh: Quang Duy
Sáng 14/10, UBND huyện Hoằng Hóa dừng tất cả các cuộc họp, phân công lãnh đạo UBND huyện trực tiếp có mặt tại 8 xã cùng ven biển chỉ đạo công tác phòng chống bão.
Tại xã Hoằng Thanh, hơn 275 bè mảng của người dân đã được chính quyền địa phương vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn.
“Theo dự báo ban đầu, bão số 7 có thể giật cấp 11 nhưng theo kinh nghiệm của một số ngư dân, khả năng khi đổ bộ vào bờ bão không lớn, mực nước biển dâng có thể kiểm soát được. Mặc dù vậy, để đảm bảo an toàn cho ngư dân, chúng tôi kiên quyết vận động người dân di chuyển toàn bộ bè mảng vào khu vực an toàn” – ông Lê Hữu Tư, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thanh cho biết.
Có mặt tại bến thuyền xã Hoằng Thanh vào trưa 14/10, ông Lê Sỹ Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa yêu cầu UBND xã Hoằng Thanh thực hiện nghiêm công điện khẩn số 25 ngày 13/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 7. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống bão lũ. Nếu để xảy ra sự cố thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm.
Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa Lê Sỹ Nghiêm và cán bộ chủ chốt toàn huyện trực tiếp có mặt tại các địa điểm xung yếu khu vực ven biển cho đến khi bão tan. Ảnh: Quang Duy
Tại Lạch Trường, Đồn biên phòng Hoằng Trường đã tăng cường 30 cán bộ chiến sỹ cho các địa bàn và hai Trạm (KSBP Lạch Hới và KSBP Lạch Trường); huy động 02 phương tiện tàu ca nô cứu hộ, cứa nạn để tuyên truyền kêu gọi, kiểm đếm 944 phương tiện, trong đó có 124 phương tiện đánh bắt xa bờ; 44 phương tiện đánh bắt gần bờ và 776 bè mảng đi khai thác trong ngày đã về nơi tránh trú bão an toàn.
Nhìn chung đến 11h, trước khi bão số 7 đổ bộ vào bờ, 100% tàu thuyền, phương tiện đánh bắt hải sản của người dân đều được di chuyển đến nơi tránh trú bão an toàn.
Cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Hoằng Trường giúp dân neo đậu tàu cá. Ảnh: Quang Duy
Theo dự báo, tại Thanh Hóa từ hôm nay đến 16-10 sẽ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa cả đợt có khả năng phổ biến từ 200 – 350mm, riêng khu vực đồng bằng ven Biển và phía Nam, Tây nam có nơi trên 400mm.
Theo lãnh đạo UBND huyện Hoằng Hóa, có thể bão đổ bộ vào bờ không lớn như dự báo nhưng các địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Ảnh: Quang Duy
Từ hôm nay (ngày 14/10) đến ngày 17-10, mực nước trên các sông trong tỉnh dao động lên và có khả năng xảy ra một đợt lũ với biên độ lũ lên vùng thượng lưu: 4-8m, hạ lưu: 2-5m.
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ tại các trạm ở Trung và thượng lưu sông Mã có khả năng đạt mức báo động 1(BĐ1) – BĐ2; hạ lưu sông Mã, sông Chu nhỏ hơn đến xấp xỉ mức BĐ1, có nơi trên BĐ1; Sông Bưởi, sông Âm, sông Cầu Chày, sông Yên ở mức BĐ2- BĐ3, có nơi trên BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại các huyện trung du, miền núi; ngập úng tại các vùng trũng thấp và các khu đô thị trong tỉnh.