Thanh Hóa: Chính quyền thiếu quyết liệt để cát 'tặc' lồng hành

Thời gian qua, đã có nhiều công văn, chỉ thị chỉ từ UBND tỉnh Thanh Hóa đến các cấp, ngành liên quan về việc chấn chỉnh nạn khai thác, tập kết cát trái phép trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Thường Xuân nói riêng. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn đang diễn ra trên địa bàn xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân.

Bãi cát của gia đình bà Thanh nằm sát vai đập Bái Thượng.

Đứng từ trên cầu Bái Thượng nhìn về phía thôn 2, xã Thọ Thanh, thượng nguồn đập Bái Thượng, chúng tôi liên tục thấy những chiếc thuyền chở đầy cát “ba phần chìm một phần nổi” đang thi nhau tấp vào bãi tập kết cát “không phép”, nằm ngay sát thượng lưu vai đập, mặc cho dòng nước lớn đang chảy xiết.

Được biết, bãi cát trên của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh, đã hoạt động và tồn tại khoảng 5 năm nay. Mặc dù trước đó đã nhiều lần được các ban, ngành và chính quyền địa phương kiểm tra, nhắc nhở, nghiêm cấm việc tập kết cát gần đập, thế nhưng, không hiểu sao cho đến nay, bãi cát này vẫn tồn tại và ngang nhiên hoạt động, tập kết và mua bán cát bình thường, phớt lờ lệnh cấm của các cơ quan chức năng.

Một người dân sống gần đấy cho biết: “Bãi cát này tồn tại từ rất lâu rồi, trước đây nó có quy mô nhỏ, nay chủ bãi đã mở rộng hơn trước. Nghe nói trên đã có lệnh cấm, nhưng chúng tôi chẳng hiểu sao nó vẫn ở đây và lại còn ngày một lớn hơn”?

Theo quan sát và tìm hiểu của phóng viên, bãi cát có diện tích khoảng hơn 1.000m2, nằm cách thượng lưu vai đập Bái Thượng chừng 35m và cách phía ngoài chân đê khoảng 15m (trong hành lang an toàn đê điều và an toàn hồ đập). Bên ngoài được chủ đắp bờ và xây tường cao 0,5m bao quanh ngăn không cho cát sạt xuống đập. Đứng chình ình trên bãi là chiếc máy xúc đang chờ xúc cát bất cứ khi nào có người mua, cạnh đó là chiếc thuyền sắt được chủ kéo lên bãi tu sửa và bảo dưỡng.

Về số nguồn gốc cát tại đây, theo người dân địa phương cho biết, cát được cung cấp chủ yếu bởi các thuyền gỗ, thường chạy ngược dòng sông Chu (từ điểm tập kết cát trở lên đến thị trấn) chỗ nào có cát thì thả vòi hút chỗ đó. Số còn lại được tận thu từ nạo vét cửa cống, kênh.

Bờ bao bao quanh bãi cát và chiếc thuyền đang được kéo lên bảo dưỡng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Tâm - Phó Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thường Xuân phân trần: “… Chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện ra văn bản gửi UBND các xã và thị trấn, về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn huyện. Ngoài ra, cũng đã nhiều lần phối hợp với các ban, ngành đi kiểm tra, nhắc nhở vận động. Thậm chí Cảnh sát môi trường đã xử phạt rồi, nhưng đến nay vẫn không thể dẹp bỏ được bãi cát trên. Cái khó ở đây là Phòng ít người nên một năm chúng tôi chỉ đi kiểm tra được một hai lần. Còn chủ yếu là do cơ sở báo cáo lên…”? Trước câu hỏi của phóng viên đặt ra: “Tại sao cả thời gian dài đến mấy năm, đã kiểm tra và xử lý nhiều lần đến như vậy, nhưng vẫn chưa thể dẹp bỏ được bãi cát trên” ? ông Tâm cho biết thêm: Cái này do nhiều yếu tố như chính quyền chưa quyết liệt, ý thức người dân chưa cao...”.

Về phía chính quyền UBND xã Thọ Thanh, ông Lê Văn Tiền - Chủ tịch UBND xã cho hay: “Xin lỗi các anh, tôi mới nhận chức Chủ tịch được hơn một tháng, nên chưa có điều kiện nắm bắt được vấn đề này…”.

Trước thực trạng trên, câu hỏi đặt ra ở đây là: Tình trạng khai thác, tập kết và kinh doanh cát trái phép kéo dài đã nhiều năm như vậy, có phải do chính quyền xã Thọ Thanh và huyện Thường Xuân “bất lực” không thể dẹp bỏ được. Hay là do có sự “tiếp tay” ngầm nhằm cùng nhau hưởng lợi? Thiết nghĩ, đã đến lúc các cấp, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa phải vào cuộc để chấn chỉnh trật tự, kỷ cương trong khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng trên địa bàn, nhất là trong bối cảnh mùa mưa bão đã cận kề.

Trần Cường

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/thanh-hoa-chinh-quyen-thieu-quyet-liet-de-cat-tac-long-hanh.html