Thanh Hóa: 'Cứu' doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động do vi phạm phòng cháy, chữa cháy bằng cách nào?
Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp chưa tập trung rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp chấp hành và thực hiện đầu tư kịp thời đối với hạng mục hạ tầng phòng cháy chữa cháy tại các khu vực do đơn vị quản lý theo quy định hiện hành...
Mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 105/CV-HHDN gửi UBND tỉnh Thanh Hóa với nội dung, hiệp hội nhận được đơn kiến nghị của một số doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy.
NHIỀU DOANH NGHIỆP CẦU CỨU
Theo nội dung công văn, tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, các sơ sở sản xuất kinh doanh đã đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động hàng chục năm, thậm chí trước khi Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001 có hiệu lực thi hành, dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về công tác phòng cháy chữa cháy.
Hiện nay, mặt bằng quy hoạch và mật độ xây dựng tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga rất hạn chế, khó khăn cho việc mở rộng các bể chứa nước và cải tạo, xây dựng hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy hiện hành.
Căn cứ tình hình thực tế và nội dung kiến nghị của các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, đồng thời thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền các cấp, HHDN tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét và chỉ đạo một số nội dung tháo gỡ, khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cụ thể như việc chỉ đạo Ban quản lý Khu công nghiệp Tây Bắc Ga phối hợp cùng các ngành chức năng rà soát, đánh giá thực trạng và có phương án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại khu công nghiệp, đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với quy mô sản xuất của doanh nghiệp.
Đề nghị Công an tỉnh Thanh Hóa xem xét, cân nhắc việc xử phạt và dừng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga. Đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp được gia hạn thời gian hoàn thành xây dựng các hạng mục phòng cháy chữa cháy đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.
Trong trường hợp cần thiết, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại giữa các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga với các ngành chức năng liên quan để tìm giải pháp chung, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp…
Hiện nay, do quy định trong công tác phòng cháy chữa cháy nên các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương rà soát và có biện pháp chấn chỉnh, đề xuất kịp thời. Do đó, nhiều doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga vừa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy theo Quy định tại Khoản 4 Điều 38, Khoản 2, Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.
Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, diễn ra vào tháng 12/2022, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, đã nêu thực trạng rất nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sau khi bị kiểm tra về công tác phòng cháy chữa cháy, do hệ thống này đầu tư chưa đồng bộ.
Theo ông Đoan, vừa qua, hơn 100 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Tây Bắc Ga đã gửi đơn đến Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, và Hiệp hội đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa “xin” giảm nhẹ mức tiền xử phạt vi phạm hành chính về công tác phòng cháy chữa cháy và giãn thời gian khắc phục, hoàn thiện công trình phòng cháy chữa cháy cho các doanh nghiệp vi phạm.
“Doanh nghiệp ý thức được quy định về phòng cháy chữa cháy, và doanh nghiệp có sai. Nhưng khi làm hạ tầng, trước đây chưa chú trọng đường dẫn nước riêng cho phòng cháy chữa cháy, nên Khu công nghiệp Tây Bắc Ga thiếu đường dẫn nước riêng. Bây giờ mà bắt doanh nghiệp làm bể chứa, làm xong rồi không có đường đấu nối thì rất khó cho doanh nghiệp, không có đường đấu nối. Nếu mà đóng cửa, nếu phạt theo quy định các doanh nghiệp ở khu Tây Bắc Ga như thế thì doanh nghiệp rất khó khăn, mất công ăn việc làm, đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản”, ông Đoan cho hay.
Do đó, trước HĐND tỉnh Thanh Hóa, ông Đoan đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, các cấp, các ngành xem xét, kéo lùi thời gian hoàn thành các công trình về phòng cháy chữa cháy, giảm mức tiền phạt do vi phạm về công tác này.
TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ DOANH NGHIỆP SỚM HOẠT ĐỘNG TRỞ LẠI
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã chủ trì cuộc họp về tháo gỡ khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy của các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga.
Thông tin từ cuộc họp trên, trong quá trình cơ quan chức năng rà soát việc chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy trong doanh nghiệp, tại Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga có 183 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh đã bị xử lý vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 9 tỷ đồng.
Trong đó, có 108 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, 3 cơ sở yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục tồn tại về phòng cháy chữa cháy. Hiện nay, có 39 doanh nghiệp đã có phương án, lộ trình khắc phục. Còn lại đa phần các doanh nghiệp đều chưa có phương án, lộ trình khắc phục các hạn chế về công tác phòng cháy chữa cháy.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đã nêu rõ, trong thời gian qua, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp chưa tập trung rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp chấp hành và thực hiện đầu tư kịp thời đối với hạng mục hạ tầng phòng cháy chữa cháy tại các khu vực do đơn vị quản lý theo quy định hiện hành. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp và các chủ đầu tư hạ tầng còn lúng túng trong quy trình thiết kế, trình thẩm định phương án phòng cháy chữa cháy theo quy định mới.
Để nhanh chóng khắc phục tình trạng này, khôi phục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, Công an tỉnh tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ trình phê duyệt phương án khắc phục, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sớm hoàn thành đầu tư công trình phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu đi vào hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, phân nhóm các doanh nghiệp có khả năng, điều kiện khắc phục để hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng hồ sơ, phương án, lộ trình thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp xây dựng phương án, nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khung về phòng cháy chữa cháy để các doanh nghiệp đấu nối với hệ thống phòng cháy chữa cháy của các đơn vị. Đối với các doanh nghiệp cố tình không thực hiện phương án khắc phục sẽ kiên quyết xử lý theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp thực hiện việc rà soát lại từng hạng mục đầu tư hạ tầng khung tại Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga. Trong đó, chú trọng đặc biệt tới việc đầu tư, đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy và hệ thống xử lý nước thải, các trục đường giao thông quan trọng kết nối trong và ngoài khu công nghiệp.