Thanh Hóa: Đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo đà cho du lịch phát triển
phát triển du lịch, điều quan trọng là phải có nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Do đó, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung đầu tư nhiều dự án nhằm hoàn thiện hạ tầng, tạo đà cho du lịch phát triển.
Những năm qua, Thanh Hóa tập trung huy động các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật nhằm phát huy giá trị của các điểm du lịch tiềm năng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ với các tuyến đường huyết mạch kết nối vùng miền để rút ngắn thời gian và lộ trình của du khách khi đến với xứ Thanh, góp phần kết nối các khu, điểm, tour, tuyến du lịch nội và ngoại tỉnh một cách hiệu quả.
Nằm ở cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây và là trục giao lưu nối liền Bắc bộ - Trung bộ - Nam bộ, với hệ thống giao thông đa dạng, đồng bộ gồm cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy. Thanh Hóa có nhiều tuyến giao thông trọng điểm như dự án thành phần cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, có tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng; đường bộ ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa; đường nối từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; đường đến các khu du lịch Sầm Sơn, Hải Tiến, Bến En, Lam Kinh; nâng cấp, cải tạo đường từ Quốc lộ 1A đi qua Khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa; cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 217 đi xã Vĩnh Minh và danh thắng núi Kim Sơn, xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc)...
Với tiềm năng và những ưu thế vượt trội cả về tài nguyên tự nhiên và nhân văn, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai nhiều cơ chế, chính sách phát triển du lịch như quy hoạch các không gian phát triển du lịch và các khu, điểm du lịch; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch biển; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực du lịch; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch...
Đặc biệt, chú trọng đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch. Trong đó có các trục giao thông chính, kết nối các khu du lịch trọng điểm với tuyến đường huyết mạch quốc gia, quốc tế; đồng thời, quan tâm phát triển các tuyến đường hàng không, đường biển, nhằm tạo điều kiện cho Thanh Hóa mở rộng hợp tác, giao lưu và kết nối phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng với cả nước và quốc tế.
Đơn cử, tuyến đường du lịch chạy dọc bờ biển xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa với tổng mức đầu tư khoảng 220 tỷ đồng đang được gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công, để có thể hoàn thành và đưa vào sử dụng trước dịp khai trương mùa du lịch biển Hải Tiến năm nay. Dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần nối liền tuyến đường du lịch biển của huyện Hoằng Hóa.
Mặc dù thời gian thi công theo hợp đồng là từ năm 2023 đến năm 2025, công trình được khởi công trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Tuy nhiên, do yêu cầu khai thác hạ tầng khu du lịch biển Flamingo và sớm kết nối liền tuyến đường du lịch biển của huyện nên huyện Hoằng Hóa đã yêu cầu nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành dự án trước khi khai trương mùa du lịch biển năm 2024.
Khối lượng công việc lớn, thời gian thi công gấp rút, nên nhà thầu là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tuấn Linh phải triển khai nhiều mũi thi công trên toàn tuyến. Do đó, trong quá trình thi công, nhà thầu đã cố gắng hoàn thành tiến độ đề ra.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tuấn Linh, huyện Hoằng Hóa cho biết: “Trong quá trình thi công, nhà thầu đã phối hợp với chủ đầu tư, địa phương để giải quyết các vướng mắc, bất cập tại công trường. Bên cạnh đó, do đây là công trình trọng điểm, thời gian thi công ngắn nên trong quá trình thi công, các bên thường xuyên tăng cường công tác giám sát để đảm bảo công trình được đẩy nhanh tiến độ và chất lượng”.
Ngoài ra, hệ thống hạ tầng viễn thông, điện, xử lý nước thải, rác thải, hệ thống biển chỉ dẫn, nhà vệ sinh công cộng, trung tâm đón tiếp khách, bãi đỗ xe... đã và đang được đầu tư ngày càng hoàn thiện và hiện đại, góp phần thu hút du khách và nâng cao năng lực đón, phục vụ du khách của các khu, điểm du lịch trên địa bàn.
Riêng trong lĩnh vực du lịch, tính đến thời điểm hiện tại Thanh Hóa đã thu hút trên 80 dự án kinh doanh du lịch, với tổng vốn đăng ký khoảng 146.000 tỷ đồng, trong đó có sự hiện diện của nhiều tên tuổi lớn như Sungroup, Vingroup, Viettravel, ORG, Flamingo... với nhiều sản phẩm có đẳng cấp và chất lượng cao đang góp phần nâng cao vị thế của du lịch Thanh Hóa trên bản đồ du lịch Việt Nam. Điển hình là hàng chục dự án nghỉ dưỡng cao cấp, với hệ thống khách sạn, biệt thự, resort đa dạng trải dọc bờ biển gắn với nhiều dịch vụ giải trí, thể thao, chơi golf và các loại hình dịch vụ bổ trợ khác.
Có thể khẳng định, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã và đang “mở đường” cho du lịch Thanh Hóa phát triển. Địa phương đã vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực lớn đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, phát huy giá trị các tiềm năng du lịch. Nhờ đó, những năm qua, lượng du khách chọn Thanh Hóa là điểm dừng chân tham quan, nghỉ dưỡng dài ngày không ngừng tăng lên.