Thanh Hóa: Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo xã, phường, thị trấn
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác tuyên giáo (CTTG), với vai trò 'đi trước, mở đường'; những năm qua, Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các mặt công tác tuyên giáo phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đặc biệt, để tạo sự thống nhất và nâng cao hiệu quả hoạt động của CTTG, ngày 23-12-2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Quy định số 1206-QĐ/TU về việc thành lập ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn (BTGXP). Sau 18 năm thực hiện, Quy định số 1206-QĐ/TU đã góp phần tăng cường và tạo nên bước phát triển mới trong CTTG, góp phần tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
BAN TUYÊN GIÁO XÃ, PHƯỜNG ĐÃ PHÁT HUY VAI TRÒ NÒNG CỐT
Thực hiện Quy định số 1206-QĐ/TU, đến nay 559/559 xã, phường, thị trấn đã thành lập BTGXP và đi vào hoạt động có nền nếp; BTGXP chịu sự lãnh đạo trực tiếp của đảng ủy cùng cấp, có chức năng tham mưu và giúp việc cho đảng ủy về các mặt công tác tuyên giáo của đảng bộ địa phương. Tổng cán bộ tuyên giáo cấp xã toàn tỉnh là: 3.895 người; dân tộc Kinh là: 3.057 người (78,5%), dân tộc khác: 838 người (21,5%); Tôn giáo có 4 người (0,1%). Về trình độ chuyên môn: Đại học và trên đại học 3.494 người (89,7%), cao đẳng 104 người (2,7%), trung cấp 238 người (6,1%), sơ cấp và chưa được đào tạo 59 người (1,5%). Về trình độ lý luận chính trị: Cao cấp và cử nhân 136 người (4,0%), trung cấp 3.582 người (91%), sơ cấp 100 người (3,0%), chưa được đào tạo 75 người (2,0%).
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ TGXP được đào tạo cơ bản, đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu, có trình độ lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu; có kinh nghiệm, am hiểu các lĩnh vực công tác tuyên giáo; có ý thức trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện các lĩnh vực công tác tuyên giáo, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và địa phương.
Trong những qua, ban tuyên giáo đảng ủy xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trong CTTG ở cơ sở. Nhiều lĩnh vực của CTTG, như: Giáo dục lý luận chính trị, tuyên truyền, cổ động, văn hóa – văn nghệ, khoa giáo, lịch sử Đảng, triển khai nghị quyết, tổng kết thực tiễn,… tại cơ sở đã được tiến hành kịp thời, hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, đến với đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Các đảng bộ xã, phường, thị trấn đã gắn việc giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân với tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết; tổ chức các buổi thảo luận, lấy ý kiến xây dựng và thi hành Hiến pháp, Pháp luật của Nhà nước; học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử địa phương; tổ chức tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm, các sự kiện chính trị của đất nước, của địa phương.
Vấn đề nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội kịp thời và trung thực. BTGXP đã bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội. Đội ngũ cộng tác viên và phụ trách dư luận xã hội tại các xã, phường, thị trấn đã chủ động, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết những vướng mắc nảy sinh, hạn chế hình thành điểm nóng ở cơ sở. Việc giải quyết, xử lý những bức xúc trong Nhân dân, mâu thuẫn xã hội, đấu tranh với những tư tưởng sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch với âm mưu diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa mang lại hiệu quả thiết thực.
Công tác tuyên truyền, cổ động được quan tâm đổi mới cả về nội dung và hình thức. Nội dung, phương thức tuyên truyền miệng ngày càng hướng về cơ sở, từ yêu cầu và thực tiễn của cơ sở, của đối tượng người nghe; đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nâng cao tính chiến đấu, tính định hướng và giáo dục thuyết phục, củng cố nhận thức, niềm tin, cổ vũ hành động cách mạng, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng của tỉnh luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền coi trọng. Từ năm 2005 đến nay, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các xã, phường, thị trấn đã có bước phát triển mạnh mẽ. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 462/559 xã, phường, thị trấn tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ. Số lượng các ấn phẩm được xuất bản ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao, đảm bảo tính đảng, tính khoa học, tính thống nhất với lịch sử toàn Đảng, song cũng thể hiện được những nét đặc thù riêng của từng địa phương. Các ấn phẩm đã góp phần tái hiện một cách đầy đủ, toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử chung toàn đảng bộ và lịch sử truyền thống của từng địa phương. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của từng đảng bộ nói riêng và của toàn Đảng bộ tỉnh nói chung trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác khoa giáo ở cơ sở đã được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Hằng năm, BTGXP tham mưu cho đảng ủy lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, sơ kết, tổng kết nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số, thể thao, gia đình,...; tham mưu giúp đảng ủy tổ chức hướng dẫn các thôn, bản, khu phố xây dựng tiêu chí vệ sinh môi trường, xây dựng các mô hình khuyến học, khuyến tài góp phần xây dựng xã hội học tập, như mô hình: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”; tuyên truyền và thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh... Nhờ triển khai bài bản, đồng bộ, chất lượng, các lĩnh vực, công tác khoa giáo ở cơ sở có nhiều chuyển biến rõ nét, gắn với thực tiễn và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương; tích cực tham gia giải quyết hiệu quả những vấn đề cụ thể của đời sống xã hội, tuyên truyền vận động Nhân dân trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, thực hiện các dự án trên địa bàn.
Công tác văn hóa, văn nghệ ở cơ sở đã góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang lễ và lễ hội, tạo không khí phấn khởi, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; đẩy lùi các hủ tục, nâng cao đời sống tinh thần, hướng Nhân dân tới các giá trị chân - thiện - mĩ, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Một trong những dấu ấn đậm nét trong hoạt động của ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn của tỉnh chính là việc tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. BTGXP đã tham mưu cho cấp ủy tổ chức triển khai quán triệt nghiêm túc, sâu rộng nội dung của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chuyên đề toàn khóa và các chuyên đề hằng năm đến các chi bộ, cơ quan, đơn vị, MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân; tổ chức hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Cuộc thi tìm hiểu “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Cuộc thi trắc nghiệm trên internet “Tìm hiểu Bác Hồ với Thanh Hóa, Thanh Hóa làm theo lời Bác”.
Hằng năm, BTGXP hướng dẫn các chi bộ và đảng viên xây dựng kế hoạch và đăng ký việc làm theo Bác, tích cực tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, tự giác của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể và từng cán bộ, đảng viên. Việc học tập và làm theo Bác đã trở thành hoạt động sinh hoạt chính trị rộng lớn trong đời sống xã hội, với nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, có sức lan tỏa rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo Bác với những việc làm cụ thể, thiết thực, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm gần đây.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO XÃ, PHƯỜNG...
Bên cạnh những kết quả đạt được, CTTG xã, phường, thị trấn trong tỉnh thời gian qua vẫn bộc lộ những hạn chế. Ở một số xã, phường, thị trấn chưa thống nhất thành viên ban tuyên giáo theo Quy định 1206-QĐ/TU; nền nếp hoạt động của BTGXP còn thiếu thường xuyên, thiếu chủ động; công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong CTTG ở một số nơi chưa thường xuyên; công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hiệu quả, chất lượng chưa cao; việc theo dõi, nắm bắt, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội có việc chưa kịp thời, thiếu chiều sâu; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) ở một số địa phương, cơ sở chưa đi vào thực chất, chưa tạo được sức lan tỏa; tỷ lệ cán bộ tuyên giáo cấp xã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ hằng năm còn thấp, khả năng đáp ứng với nhiệm vụ công tác TGXP ở một số nơi còn nhiều hạn chế; cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí hoạt động rất eo hẹp, thiếu thốn;…
Bước vào giai đoạn cách mạng mới, CTTG đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác TGXP, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau đây:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác tuyên giáo xã, phường, thị trấn. Trong đó, Đảng ủy, ban thường vụ đảng ủy xã coi CTTG là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ then chốt trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy và phải được tiến hành thực hiện thường xuyên, đạt hiệu quả cao. Ban thường vụ, bí thư cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về CTTG của đảng bộ; chủ động rà soát, xác định rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm của CTTG để tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả; chủ trì và chịu trách nhiệm toàn bộ công tác chỉ đạo, tổ chức học tập, quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng.
Hai là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên giáo xã, phường, thị trấn một cách toàn diện, đồng bộ.Bên cạnh việc thường xuyên gắn kết chặt chẽ CTTG với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, CTTG xã, phường, thị trấn phải “bám chắc”, “bám sát” thực tiễn ở cơ sở, để đi trước dự báo, định hướng, đi cùng các sự việc để nắm chắc tình hình, đi sau sự việc, sự kiện để giải quyết từ sớm, tận gốc những vấn đề có thể dẫn đến nảy sinh bức xúc về tư tưởng, tâm trạng xã hội và rút kinh nghiệm, nhất là những vấn đề tồn tại kéo dài.
Triển khai và thực hiện quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo với cơ quan Nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân một cách đồng bộ, hiệu quả. Đổi mới công tác quán triệt, tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết và những chính sách lớn của Đảng theo tinh thần đúng người, đúng việc, phân tầng nội dung, phân loại đối tượng, nâng cao tính định hướng thực chất và thuyết phục. Các cấp ủy đảng tiếp tục quan tâm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, đặc biệt là khai thác, sử dụng và phát huy mặt tích cực của mạng xã hội; coi đó như một kênh tuyên truyền hiện đại, một công cụ tiện dụng, để nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; là công cụ cần thiết trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. CTTG xã, phường, thị trấn phải tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của cán bộ, đảng viên, Nhân dân.
Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục truyền thống cách mạng; công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tham mưu về công tác khoa giáo; triển khai hiệu quả công tác văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Mặt khác, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); trọng tâm là triển khai thực hiện hiệu quả 3 nội dung: học tập - làm theo và nêu gương, bằng những phần việc cụ thể, dễ làm, dễ thực hiện.
Ba là, xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ; đầu tư cơ sở vật chất, từng bước hiện đại hóa phương tiện, thiết bị phục vụ công tác tuyên giáo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bốn là, các đảng bộ xã cần tiếp tục phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; bí thư chi bộ thôn, bản, tổ dân phố và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong thực hiện nhiệm vụ CTTG.
Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy về công tác tuyên giáo xã, phường, thị trấn. Cấp ủy Đảng các cấp phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đưa công tác kiểm tra, giám sát hoạt động công tác TGXP vào chương trình kiểm tra, giám sát theo định kỳ (tháng, quý, năm).