Thanh Hóa: Đồi nứt toác, đe dọa vùi lấp nhiều nhà dân

Nhiều quả đồi bị nứt rộng hơn cả mét, có nguy cơ sạt lở bất kỳ lúc nào, nhiều hộ dân tại Thanh Hóa phải di dời khẩn cấp để tránh bị vùi lấp.

Đồi nứt, đe dọa vùi lấp nhà dân

Chiều 23/9/2024, ông Lê Xuân Mậu, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Trực, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) cho biết, do mưa lớn kéo dài, nhiều thôn trên địa bàn xã xảy ra việc nứt, sạt lở núi đe dọa bị vùi lấp nên phải di dời dân khẩn cấp tới nơi an toàn.

Quả đồi bị nứt rộng hơn cả mét, đe dọa vùi lập nhiều nhà dân. Ảnh: CTV

Quả đồi bị nứt rộng hơn cả mét, đe dọa vùi lập nhiều nhà dân. Ảnh: CTV

Cụ thể, quả đồi Đá Bàn thuộc thôn Chính Thành xuất hiện vết nứt, sạt lở vào chiều 22/9. Vết nứt rộng hơn 1m, dài khoảng 100 m, chính quyền địa phương đã thực hiện di dời khẩn cấp 13 hộ dân đến nơi an toàn.

Ngoài ra, một quả đồi khác thuộc thôn Định Thành, Xuân Thành cũng xuất hiện vết nứt, nguy cơ sạt lở rất cao. Chính quyền xã Thành Trực đã vận động di dời các hộ dân tới nhà hàng xóm. Đến chiều 23/9, xã Thành trực đã vận động, di dời 29 hộ do sạt lở đất.

Một quả đồi thuộc khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành cũng đã xuất hiện vết nứt từ trên cao, chân núi bị sạt lở gây ảnh hưởng tới nhà dân. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã yêu cầu 10 hộ di dời. Chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo, cử lực lượng thường trực để theo dõi diễn biến, có phương án xử lý kịp thời.

Chính quyền và lực lượng chức năng hỗ trợ di dời dân do sạt lở núi đe dọa vùi lấp. Ảnh: CTV

Ông Hoàng Khắc Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành cho biết, do nước sông Bưởi dâng cao, 104 hộ dân ở khu vực ngoài đê thuộc thị trấn Kim Tân bị ngập lụt, chia cắt. Tuy nhiên, khu vực các hộ dân sinh sống ở ngoài đê, hằng năm cứ đến mùa mưa là ngập lụt. Do đã có kinh nghiệm và có phương án di chuyển từ trước, nhà cửa hiện đã kiên cố nên không gây thiệt hại lớn.

Di dời hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn

Tại huyện Hậu Lộc, tính đến 16 giờ ngày 23/9, huyện Hậu Lộc đã di dời 76 hộ, 272 nhân khẩu đến nơi an toàn (trong đó, đê Tả Lạch Trường 46 hộ với 168 nhân khẩu; đê hữu Sông Lèn 30 hộ với 104 nhân khẩu); nâng kê và di dời tài sản cho 582 hộ.

Tiểu ban Di dân - Ứng cứu xử lý tình huống (Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Hậu Lộc) đã xây dựng phương án di dân, ứng cứu, xử lý tình huống trên các sông có đê và được quy định cấp báo động lũ cần phải sơ tán khu vực ngoài đê và vùng sạt lở khi xả lũ thủy điện, ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc và rãnh thấp qua Bắc Bộ.

Các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng, nguy hiểm phải huy động toàn bộ các loại phương tiện tham gia di dân về vị trí an toàn, dễ điều động, chuẩn bị các điều kiện hậu cần khác và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ di dân khi có lệnh. Các xã nằm trong vùng nguy hiểm, cần di dời, sơ tán người dân là Triệu Lộc, Đại Lộc, Đồng Lộc, Phong Lộc, Cầu Lộc, Thuần Lộc, Xuân Lộc, Hòa Lộc, Quang Lộc, Hưng Lộc. Đây là các xã có nhiều hộ dân sinh sống ở ngoài đê sông Lèn, sông Lạch Trường.

 Đất, đá từ taluy sạt xuống mặt đường tại nhiều vị trí trên Quốc lộ 15C khiến giao thông bị chia cắt. Ảnh: CTV

Đất, đá từ taluy sạt xuống mặt đường tại nhiều vị trí trên Quốc lộ 15C khiến giao thông bị chia cắt. Ảnh: CTV

Tại huyện Mường Lát, từ đêm ngày 21 đến 23/9, trên địa bàn huyện đã xảy ra mưa lớn kéo dài, lượng mưa đo được lên đến 185,9 mm, đã gây thiệt hại nhiều tài sản của Nhân dân và Nhà nước trên địa bàn huyện.

Cụ thể, mưa lớn đã làm thiệt hại 32 ngôi nhà của người dân (trong đó, di dời khẩn cấp 2 hộ; thiệt hại ở mức độ từ 50-70% là 1 hộ; thiệt hại ở mức từ 30-50% là 3 hộ; 7 hộ thiệt hại dưới mức 30%; 10 ngôi nhà bị ngập nước và đất đá tràn vào nền nhà; 9 hộ trong diện nguy cơ rất cao về sạt lở đất đá taluy). 0,1 ha lúa nước tại bản Cá Tớp, xã Pù Nhi bị ngập úng, vùi lấp. 15 phòng ở của học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Lý bị đất, đá từ taluy phía sau sạt trượt đè vào tường, phòng ở của học sinh, phải sơ tán khẩn cấp 214 học sinh đến ở tạm an toàn.

Mưa lớn còn làm sạt lở khối lượng lớn đất, đá trên nhiều tuyến đường như: Quốc lộ 15C, Quốc lộ 16, Đường tỉnh 521D, Đường tỉnh 521E và nhiều tuyến giao thông đến các xã, bản trên địa bàn huyện... khiến giao thông bị chia cắt.

 Một số hộ dân sinh sống dọc suối Xim (xã Mường Chanh) có nguy cơ sạt lở cao. Ảnh: CTV

Một số hộ dân sinh sống dọc suối Xim (xã Mường Chanh) có nguy cơ sạt lở cao. Ảnh: CTV

Ngoài ra, nước lũ từ thượng nguồn đổ về suối Xim (thuộc địa phận các xã Mường Chanh, Quang Chiểu) khiến mực nước dâng cao, chảy xiết làm nhiều đoạn bị sạt lở, gây ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống dọc suối. Nhiều đập tràn bị ngập sâu (có nơi mực nước ngập sâu lên đến gần 1m) khiến người và phương tiện giao thông không thể qua lại, giao thông tạm thời bị tê liệt.

Trước tình hình trên, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, huyện Mường Lát đã thực hiện sơ tán 464 hộ/2.146 khẩu đến nơi tránh trú an toàn.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Mường Lát đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời tổ chức sơ tán người và di dời tài sản của Nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét theo phương án đã được phê duyệt.

Tiếp tục tổ chức trực ban 24/24h; chỉ đạo thực hiện việc sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét, tuyệt đối không lơ là để thiệt hại về người; triển khai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).

Bên cạnh đó, kịp thời thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại về sản xuất, cơ sở hạ tầng do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện; tiếp tục phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các sở, ban, ngành, các lực lượng chức năng để sớm thông các tuyến đường chính.

Quốc Huy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-hoa-doi-nut-toac-de-doa-vui-lap-nhieu-nha-dan-347824.html