Thanh Hóa: Đóng cửa hàng loạt cơ sở chế biến keo tự phát, cần tránh để xảy ra những hệ lụy buồn

Người trồng keo ở xứ Thanh đang có chung một nỗi lo trước cuộc tranh giành vùng nguyên liệu. Khi các điểm thu mua keo đóng cửa thì sản phẩm làm ra sẽ bị ép giá.

Trăm nỗi buồn trong một nỗi lo

Trước thực trạng hàng trăm cơ sở thu mua keo tự phát tại tỉnh Thanh Hóa đóng cửa, đã “rấy lên” những làn sóng hoang mang trong lòng người trồng rừng. Đa phần họ đều có chung một nỗi lo về tương lai của cây keo. Họ lo sợ rồi mai đây, những rừng keo cũng từ biệt bản nghèo mà ra đi, giống như những cây trồng trước, sau thời hoàng kim đều quay lưng lại với bản.

Để trải lòng cùng bà con trồng rừng, chúng tôi đã tìm về huyện Như Thanh, một trong những vựa keo của tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, sau hơn 20 năm “xanh hóa”, trên mảnh đất khô cằn này, hàng vạn rễ keo đang cố gắng đâm sâu xuống lòng đất để hút từng giọt chất dinh dưỡng ít ỏi, giúp bà con vượt qua đói nghèo.

 Nhiều hộ dân trồng keo ở xứ Thanh vô cùng lo lắng khi hàng loạt các cơ sở thu mua keo đồng loạt đóng cửa (Ảnh HK)

Nhiều hộ dân trồng keo ở xứ Thanh vô cùng lo lắng khi hàng loạt các cơ sở thu mua keo đồng loạt đóng cửa (Ảnh HK)

Sau hơn 2h chạy xe, chúng tôi có mặt tại thôn Tân Vinh, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh khi mặt trời bắt đầu nghiêng sang một bên sườn núi. Giữa cái nóng như lửa thêu, trong đám keo già, tiếng máy cưa xăng gầm rú, hòa cùng tiếng í ới của phu keo càng khiến cho khu rừng nhỏ trở nên bức bối, ngột ngạt.

Không ai bảo ai, thanh niên to khỏe thì khuân vác những thân gỗ đã cắt khúc tấp thành đống. Còn phụ nữ thì dùng tua vít hay mũi dao chọc vào thân cây để “cởi ra” những tấm áo dày đặc được dệt dần theo từng năm tháng của những cây keo. Tiếng máy vừa dứt, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng những phu keo tại đây. Họ đa phần đều là người địa phương, đều có những rừng keo của riêng mình để làm điểm tựa và là niềm hi vọng cho tương lai sau này.

Chị Lô Thị Vinh, người thôn Tân Vinh, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh cho biết: “Trồng keo ít công chăm sóc, nhưng đổi lại giá trị kinh tế cao. Trước đây, khi thu hoạch keo, chỉ mất một quãng đường ngắn là đến điểm thu mua. Mấy tháng trở lại đây, hàng loạt các cơ sở thu mua keo đều đóng cửa khiến cho chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi phải vận chuyển cung đường hơn 60 km đến nhà máy. Nếu như trước đây, mỗi tấn keo thịt trừ chi phí chủ hộ còn thu lại được 1 triệu đồng, nay phải bù vào cước xe nên chẳng được bao nhiêu”.

Cùng chung nỗi lo với chị Vinh, một số người lại cho rằng, việc các cơ sở keo đồng loạt đóng cửa sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền của nhà máy. Lúc đấy, keo đắt hay rẻ đều phụ thuộc họ, những người lao động cơ cực một nắng hai sương làm ra sản phẩm nhưng lại không có quyền tự quyết.

“Nay xưởng thu mua đóng cửa hết, chúng tôi phải vận chuyển xa để nhập cho nhà máy, ngoài việc đội cước vận chuyển ra thì chắc chắn keo sẽ bị ép giá. Những người lao động như chúng tôi chẳng khác gì những người đẻ con mà không được đặt tên” - anh Hà Văn Tài chia sẻ.

Không chỉ có vậy, khi hàng loạt các cơ sở thu mua đóng cửa, nhiều hộ trồng keo đã bắt đầu nản chí, không còn thiết tha với vườn tược. Thậm chí họ còn buông xuôi mặc cho cỏ cây um tùm đang bao bọc lấy những thân keo bé nhỏ. Họ lo sợ, cây keo cũng giống cây cao su, cây mía… sau thời “vàng son” sẽ thành vàng mắt.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho thấy, toàn tỉnh này hiện có trên 254.000 ha rừng trồng, trong đó có khoảng 120.000 ha rừng trồng keo. Sản lượng gỗ của xuất khẩu của toàn tỉnh ước đạt 425 triệu USD/ năm. Để thuận lợi cho việc tiêu thụ lâm sản, Thanh Hóa đã thành lập hơn 350 doanh nghiệp chế biến lâm sản. Nhiều hộ kinh doanh đã vay mượn ngân hàng, lập xưởng để thu mua gỗ keo. Nhờ đó, mà giá trị gỗ keo trong những năm qua được giữ vững, những hộ trồng keo được lựa chọn bán cho những cơ sở thu mua giá cao.

 Nhiều hộ sản xuất kinh doanh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị chế biến keo giờ bị đóng cửa như ngồi trên đống lửa (Ảnh HK)

Nhiều hộ sản xuất kinh doanh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị chế biến keo giờ bị đóng cửa như ngồi trên đống lửa (Ảnh HK)

Tuy nhiên, trong năm 2022 và 10 tháng năm 2023, thị trường gỗ bị sụt giảm nghiêm trọng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất quy mô, đầu tư bài bản. Trong khi đó, hoạt động thu mua gỗ keo lại không đảm bảo quy hoạch, thu mua chồng lấn làm cho nguyên liệu đầu vào đáp ứng cho hoạt động sản xuất cũng gặp không ít khó khăn. Dẫn đến tính cạnh tranh của ngành lâm nghiệp chỉ dừng ở mức nội bộ vùng nguyên liệu.

Đóng cửa hàng loạt các cơ sở thu mua keo sẽ có nhiều hệ lụy buồn?

Trước tình trạng “nội chiến vùng keo” nêu trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản chỉ đạo cho các sở, ban ngành và địa phương kịp thời chấn chỉnh, dừng hoạt động các cơ sở thu mua, chế biến keo tự phát. Với những chỉ đạo quyết liệt, hàng loạt các cơ sở thu mua keo tại các huyện miền núi đã đồng loạt bị tháo dỡ, hoặc đóng cửa. Từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, chế biến lâm sản. Tuy nhiên, đằng sau sự việc đấy là một hệ lụy đáng buồn khi người bị ảnh hưởng nhất lại chính là người lao động.

Bà Lô Thị Quyên, chủ cơ sở thu mua gỗ keo tại xã Thanh Tân bày tỏ: “Những hộ kinh doanh thu mua gỗ keo như chúng tôi rất bức xúc trước yêu cầu phải chấm dứt hoạt động. Tôi được Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đa ngành nghề, sau đó mới vay mượn tiền đầu tư để lập trạm thu mua gỗ keo. Bây giờ chính quyền yêu cầu dừng hoạt động thì máy móc, thiết bị… tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng có nguy cơ thành đống phế liệu”.

Bà Quyên lý giải: Việc yêu tạm dừng hoạt động là chuyện cạnh tranh không lành mạnh, vì hoạt động thu mua gỗ keo là quyền tự do mua bán của người dân, chỗ nào thu mua keo được giá thì họ bán. Mong Nhà nước tạo điều kiện để những hộ kinh doanh thu mua gỗ keo hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động, tạo công ăn việc làm cho các lao động.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Duy Tĩnh, Phó Chủ tịch xã Thanh Tân, huyện Như Thanh cho biết: “Hiện trên địa bàn có 4 cơ sở thu mua gỗ keo chưa đạt yêu cầu buộc phải dừng hoạt động. Đa phần họ nhận thức pháp luật hạn chế, không hiểu biết luật về đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng, đầu tư kinh doanh. Họ vay vốn, thế chấp ngân hàng đầu tư lớn xây dựng cơ sở chế biến chưa đầy đủ thủ tục, khi kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm theo pháp luật, buộc tháo dỡ cơ sở chế biến tự phát, thiệt hại lớn về kinh tế”.

 Bình quân cứ mỗi một xã ở miền núi trồng keo lại có 2 đến 3 cơ sở thu mua gỗ tự phát (Ảnh HK)

Bình quân cứ mỗi một xã ở miền núi trồng keo lại có 2 đến 3 cơ sở thu mua gỗ tự phát (Ảnh HK)

Cũng theo ông Tĩnh, khi các cơ sở này đi vào hoạt động, đã giải quyết nhu cầu tiêu thụ lượng gỗ lớn trên địa bàn, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động. Vì vậy, các cơ quan chức năng nên xem xét, hỗ trợ cho họ hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục hoạt động theo đúng quy định chứ không nên tháo dỡ vừa gây lãng phí, vừa ảnh hưởng lớn đến nhiều hộ dân.

Có thể thấy, việc hàng trăm cơ sở thu mua keo tự phát, không nằm trong diện quy hoạch là trái pháp luật, cần có cơ chế xử lý nghiêm, tạo tính răn đe. Tuy nhiên, chúng ta đều thấy rằng, đa phần các cơ sở thu mua keo hoạt động tự phát đều ở các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; việc kêu gọi đầu tư để có dự án là điều rất khó khăn đối với chính quyền địa phương.

Chính vì vậy, tỉnh Thanh Hóa cần xem xét, thay vì đóng cửa hàng loạt các cơ sở thu mua keo tự phát nên xem xét hỗ trợ để các cơ sở thu mua keo có thể hoàn thiện thủ tục pháp lý, hoạt động trở lại, tránh lãng phí nguồn tài chính mà các cơ sở thu mua keo đã đầu tư hàng tỷ đồng đến cả chục tỷ đồng; tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, đóng góp cho ngân sách các huyện miền núi. Tránh để xảy ra những hệ lụy buồn!

Hoàng Minh - Hà Khải

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-hoa-dong-cua-hang-loat-co-so-che-bien-keo-tu-phat-can-tranh-de-xay-ra-nhung-he-luy-buon-326368.html