Thanh Hóa: Giải pháp nào cho hơn 8.500 hộ dân nằm trong vùng lũ quét, sạt lở đất?

Qua rà soát, thống kê, năm 2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 8.500 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, trong đó hơn 4.300 hộ đang sinh sống trong vùng có nguy cơ cao. Vậy đâu là giải pháp bảo đảm an toàn cho các hộ dân sống trong khu vực này khi thiên tai xảy ra?

Nơm nớp lo âu khi mưa bão đến

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 và số 8 vừa qua, tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa liên tục có mưa to đến rất to. Đang sinh sống cùng 14 hộ dân khu Mướp, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, ông Hà Văn Thao lo lắng: "Gần 60 nhân khẩu khu Mướp chúng tôi mấy hôm nay luôn nơm nớp lo đất, đá sạt lở. Những lúc mưa bão thế này đúng là ăn không ngon, ngủ không yên. Trước nhà trưởng bản treo một cái kẻng, nếu có gì bất thường thì đánh kẻng báo động cho toàn khu sơ tán ra nơi an toàn cách đây hơn 500m...".

Bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát nằm lọt thỏm trong lòng chảo, 4 bên là núi cao chót vót, nhiều nơi đã lộ ra những vết nứt, có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Vào mùa mưa, nước cứ trào ra từ chân núi như muốn nuốt chửng các hộ dân nơi đây. Trưởng bản Giàng A Chống cho biết: “Bất kể ngày đêm, lúc mưa to, thấy nguy cơ là phải báo động cho bà con sơ tán đến nơi an toàn. Việc này cả bản đã tập luyện theo tình huống, cũng vài lần phải báo động rồi, nhưng sợ nhất là người dân chủ quan, không chịu sơ tán, sạt lở đất xảy ra thì rất nguy hiểm...”.

Những năm gần đây, tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa liên tục xảy ra lũ quét, sạt lở đất với cường độ mạnh và thiệt hại ngày càng tăng. Qua rà soát, thống kê, tại 9/11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa có khoảng 4.300 hộ đang sinh sống trong vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Điển hình như huyện Quan Hóa khoảng 900 hộ; Quan Sơn 800 hộ; Mường Lát 700 hộ... nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất là rất cao. Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn cho biết: "Việc di dời dân trong vùng nguy cơ cao sạt lở là vấn đề cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, địa phương còn thiếu kinh phí, dù mặt bằng đã có rồi, trước mắt chúng tôi sẽ hỗ trợ nhân dân làm tốt việc phòng, chống thiên tai và sạt lở đất...".

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo giúp dân sơ tán, tránh sạt lở đất tại xã Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) vào giữa tháng 10-2021.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo giúp dân sơ tán, tránh sạt lở đất tại xã Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) vào giữa tháng 10-2021.

Với địa hình đồi núi, chia cắt phức tạp; người dân lại có thói quen sống quần tụ tại những nơi chênh vênh bên sườn núi, sát mép sông, suối, thậm chí còn đào vạt chân núi để tạo mặt bằng dựng nhà, nên nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét ở Quan Hóa là rất cao... Đồng chí Hà Văn Thủy, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Hóa cho biết: "Dù chúng tôi đã đánh giá, xác định được một số điểm có nguy cơ sạt lở cần di chuyển khẩn cấp người dân, nhưng chưa thực hiện được. Khó khăn lớn nhất là chọn vị trí đưa bà con tái định cư; khó nữa là nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết tâm tổ chức di dời, tái định cư cho các hộ dân trong vùng có nguy cơ cao trên địa bàn của huyện. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong ổn định kinh tế-xã hội của huyện nhiệm kỳ này".

Cần đồng bộ các giải pháp

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu sắp xếp, ổn định cho hơn 4.300 hộ dân trong vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất. Tuy đã được quy hoạch, xây dựng chương trình cụ thể, nhưng việc di chuyển, tái định cư số hộ dân này đến nơi an toàn không thể trong ngày một ngày hai. Bởi hầu hết các địa phương chưa đủ khả năng, tiềm lực thực hiện.

Để đối phó và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, đòi hỏi phải tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống thiên tai đến mọi tầng lớp nhân dân; đề cao ý thức phòng ngừa, chủ động ứng phó trước mọi tình huống. Chủ động ở đây chính là thường xuyên theo dõi, tuần tra khu vực dân cư sinh sống, kịp thời phát hiện những bất thường về dòng chảy, đặc biệt là khu vực phía trên các triền núi, ven sông, suối. Kinh nghiệm cho thấy, trong tình hình mưa lũ hiện nay, khi các tầng đất đã thẩm thấu đủ nước, xuất hiện mưa lớn sẽ tạo thành dòng chảy, hoặc hình thành túi nước trên cao, đó là lúc xuất hiện lũ ống, lũ quét. Qua đó có thể thấy, dù bất định về thời gian nhưng lũ xuất hiện theo quy trình, sự chủ động của người dân địa phương là vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, việc tuân thủ phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) phải được đề cao. Thực tế, qua theo dõi các trận lũ quét, sạt lở đất vừa qua cho thấy, khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các lực lượng thường mất thông tin liên lạc; giao thông bị chia cắt, dẫn đến lực lượng cứu hộ tiếp cận địa bàn chưa kịp thời, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ thô sơ và thiếu thốn...

Các cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời bổ sung các trạm đo mưa đầu nguồn các lưu vực, các thiết bị thông tin, truyền tin kịp thời đến nơi ở, sinh hoạt và sản xuất của cộng đồng và người dân; lập bản đồ cảnh báo một cách chi tiết, cụ thể, chính xác các khu dân cư. Nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét đang hiện hữu, nhưng đến nay, việc lập bản đồ cảnh báo mới chỉ dừng lại ở khoanh vùng điểm dân cư có nguy cơ, nguy cơ cao, chưa thể xác định được vị trí, nguy cơ theo tình huống, sự việc cụ thể, chính xác. Vì vậy, khi hiện tượng sạt lở, lũ ống, lũ quét xảy ra, việc ứng phó đều bị động dẫn đến thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản.

Bài và ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thanh-hoa-giai-phap-nao-cho-hon-8-500-ho-dan-nam-trong-vung-lu-quet-sat-lo-dat-675704