Thanh Hóa: Giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của cử tri tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh
Trong 3 ngày (10,11 và 12/12), Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVII đã tổ chức kỳ họp thứ 11. Nhiều vấn đề nóng, được cử tri quan tâm đã được đưa ra chất vấn, trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường.
Kỳ họp lần thứ 11 HĐND tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc của cử tri
Năm 2019, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương; Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu, đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt tới 17,15%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay.
Sản xuất nông nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên diện rộng, nhưng giá trị sản xuất vẫn tăng 2,27% so với cùng kỳ. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao hơn bình quân chung cả nước về số tiêu chí/xã và tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến nay đã có 6 huyện, thành phố, 350 xã và 799 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu đến năm 2020 và là một trong những tỉnh có kết quả xây dựng nông thôn mới tốt nhất cả nước...
Cần có sự bứt phá trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp.
Đăng đàn trả lời chất vấn tại phiên họp sáng 12/12, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết, trong 4 năm qua, toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 36 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản. Việc chuyển đổi này đã giúp hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung cây ăn quả, rau màu, hoa, cây cảnh, trang trại…
“Quá trình chuyển đổi, tích tụ đất đai cũng đã thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ngày càng nhiều; góp phần rất lớn tái cơ cấu ngành; nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất giúp tăng giá trị trên đơn vị diện tích.” – ông Giang nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp Thanh Hóa: hiện nay, toàn tỉnh có 14 sản phẩm nông nghiệp chủ lực; 4 văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, 7 nhãn hiệu tập thể và hơn 300 mặt hàng được chứng nhận trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong những năm qua, dù đối diện nhiều loại dịch bệnh, thiên tai nhưng ngành nông nghiệp Thanh Hóa tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước, năm sau cao hơn năm trước.
Mặc dù vậy, theo một số đại biểu: so với một số địa phương ở khu vực phía Bắc, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thanh Hóa vẫn chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chưa xuất hiện phổ biến và được người tiêu dùng biết đến tại các siêu thị, hội chợ thương mại khu vực.
Ông Lê Đức Giang thừa nhận các vùng sản xuất tập trung tại Thanh Hóa hình thành, phát triển chậm và chưa có thương hiệu đủ mạnh. Nguyên nhân là do Thanh Hóa có diện tích lớn, địa hình chia cắt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa đầu tư mạnh vào nông nghiệp vì lợi nhuận thấp, rủi ro cao.
Giám đốc Sở NNPTNT Thanh Hóa đánh giá, vấn đề liên kết chuỗi trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong thời gian qua trên cả nước chưa thực sự tốt. Riêng tại Thanh Hóa, năm 2019 có 68 chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, những mối liên kết này chưa thực sự bền vững do doanh nghiệp và người dân chưa tìm được tiếng nói chung. Thời gian qua, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã xúc tiến làm việc với các công ty lớn để bao tiêu sản phẩm cho nông dân, hi vọng thời gian tới sẽ khắc phục tình trạng này.
Ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở TN&MT cho rằng: "kênh Bắc đang ô nhiễm, rất bẩn. Không chỉ người dân đâu mà tôi cũng rất lo lắng, uống nước vào cứ thấy người béo ra"
Về giải pháp phát triển nông nghiệp, ông Giang cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung tích tụ đất đai, chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thu hút doanh nghiệp đầu từ vào lĩnh vực nông nghiệp và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực.
Điều hành phiên chất vấn, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua. Tuy nhiên, theo ông Chiến, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần có sự bứt phá trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp.
Để làm được điều này, ông Chiến đề nghị ngành nông nghiệp cần rà soát lại các chương trình, đề án, chính sách phát triển nông nghiệp: “2/3 dân số Thanh Hóa sống bằng nông nghiệp nên tỉnh rất quan tâm đến lĩnh vực này. Đã có nhiều chính sách đi vào cuộc sống, nhiều chương trình hỗ trợ nông dân các vùng, miền trong tỉnh. Nhưng bây giờ, nếu ngành nông nghiệp Thanh Hóa nói đi đầu trong sản xuất lương thực thì không còn hay nữa rồi. Muốn nâng cao hiệu quả kinh tế chúng ta phải có sự bứt phá, thay đổi về cơ cấu cây trồng vật nuôi, cần có đề án phát triển cây chủ lực.
Chúng ta xây dựng các vùng chuyên canh thì không nên đưa nhiều loại cây, con vào. Mặc dù ngành nông nghiệp có rất nhiều mảng nhưng chúng ta phải rà soát lại tất cả, các đề án, chính sách phát triển nông nghiệp. Nếu cần thiết, ngành nông nghiệp có thể tổ chức hội thảo góp ý điều chỉnh lại quy hoạch, cơ chế chính sách để có một số sản phẩm chủ lực thực sự. Đặc biệt, ngành nông nghiệp tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp..”
Các đại biểu nên …ăn chín uống sôi.
Phần chất vấn, trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đào Trọng Quy tiếp tục được dư luận và cử tri quan tâm. Trước đó, tại kỳ họp thứ X, diễn ra vào tháng 7/2019, do chuẩn bị báo cáo trả lời chất vấn chưa đạt, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã cho ông Quy “nợ” đến kỳ họp lần này.
Phần báo cáo trả lời chất vấn của Giám đốc Sở TN & MT tại kỳ họp được chủ tọa đánh giá bám sát vấn đề HĐND yêu cầu. Theo đó, toàn tỉnh hiện chỉ có 1/7 khu công nghiệp; 1/71 cụm công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó, công tác thanh kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải, rác thải hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Các đại biểu phản ánh, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện nay rất đáng báo động. Công suất xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương không đáp ứng nhu cầu. Hệ thống kênh Bắc thuộc sông Nông Giang – kênh chính đập Bái Thượng bị ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Tình trạng khai thác cát tại khu vực giáp ranh giữa huyện Quan Hóa và tỉnh Hòa Bình vẫn diễn ra khiến người dân bức xúc.
Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa trả lời các câu hỏi tại phiên chất vấn
Trả lời các câu hỏi của đại biểu, ông Đào Trọng Quy cho biết, hiện nay Thanh Hóa đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng về công nghiệp nên không thể tránh khỏi những mặt trái. Trong thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hóa cần kêu gọi các nguồn vốn Trung ương, ODA để đầu tư các hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các làng nghề bị ô nhiễm, không còn cách nào khác là phải xây dựng các khu chế biến tập trung.
Theo Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa Đào Trọng Quy, vấn đề bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Hiện nay lực lượng thanh tra lĩnh vực tài nguyên môi trường mỏng nên rất cần sự phản ánh của nhân dân, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương.
Trả lời vấn đề kênh ô nhiễm nước sinh hoạt ở kênh Nông Giang khiến người dân khu vực TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn lo lắng, ông Quy cho rằng tương lai phải có đường ống kín từ huyện Thường Xuân về để lấy nước cung cấp cho các nhà máy nước sạch xử lý. “Tôi cũng kinh lắm. Uống nước không khéo béo là do nước bẩn. Nhân dân các huyện giặt rũ, bỏ hết các xác xúc vật trôi trên đó, kinh khủng lắm nên phải khẩn trương triển khai đường ống kín lấy nước từ Thường Xuân về. Đây là vấn đề giống nòi do vậy cho nên phải khẩn trương làm đường ống kín.” Trước tình trạng ô nhiễm nguồn cung cấp nước sinh hoạt, Giám đốc Sở TNMT Thanh Hóa cũng không quên khuyến cáo các đại biểu nên…ăn chín uống sôi.
Kết luận phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở TNMT, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa khẳng định trong 10 năm trở lại đây tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nên không tránh khỏi những áp lực về môi trường. Tuy nhiên, không vì thế mà địa phương đánh đổi mọi giá để tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững. Ông Chiến đề nghị, trong thời gian tới công an tỉnh cần vào cuộc quyết liệt và khởi tố một số vụ việc vi phạm về ô nhiễm môi trường để tăng tính răn đe.