Thanh Hóa: Giữ vững tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục mũi nhọn
Năm học 2021-2022, Thanh Hóa giữ vững tốp đầu về chất lượng giáo dục mũi nhọn. Cùng với đó, chất lượng giáo dục đại trà cũng duy trì ổn định, đặc biệt là giáo dục miền núi ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh (HS) giỏi tăng trong khi giảm tỷ lệ HS yếu, kém.
Ngày 16/8, Sở GD&ĐT Thanh Hóa tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến kết nối từ Sở GD&ĐT Thanh Hóa với các điểm cầu tại 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Vì vậy, toàn ngành và các địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép với mục tiêu vừa tăng cường giải pháp phòng, chống dịch bệnh, vừa tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT 2018).
Đến nay, đã có 292.800 HS (độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi) tiêm vắc xin mũi 1; hơn 290.000 trẻ tiêm đủ mũi và hơn 202.000 trong tổng số hơn 285.400 trẻ tiêm mũi nhắc lại. Với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đã tiêm mũi 1 cho hơn 431.000; mũi 2 cho hơn 303.000.
Giáo dục mũi nhọn giữ vững tốp đầu
Năm học 2021-2022, Thanh Hóa tiếp tục giữ vững tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục mũi nhọn. Cụ thể, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) quốc gia năm học vừa qua, Thanh Hóa đoạt 58 giải trong tổng số 76 thí sinh dự thi, xếp thứ 6 toàn quốc.
Trong năm qua, Thanh Hóa có thêm 1 HS đoạt Huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Toán Quốc tế; 1 giải Ba tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì ổn định. Đặc biệt, chất lượng giáo dục miền núi tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, với tỷ lệ HS giỏi tăng trong khi giảm tỷ lệ HS yếu, kém. Ngoài ra, 100% HS các Trường Phổ thông dân tộc nội trú tốt nghiệp THCS và THPT.
Thanh Hóa cũng tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ở kỳ thi năm nay, Thanh Hóa có hơn 36.000 thí sinh dự thi, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT sơ bộ hơn 35.400, (đạt tỷ lệ 98,46%, tăng 0,47% so với năm 2021). Điểm trung bình tại kỳ thi này là 6,347 điểm, xếp thứ 27 toàn quốc, so với năm 2021 tăng 5 bậc (năm 2021 xếp thứ 32).
Đáng chú ý, Thanh Hóa dẫn đầu cả nước về tổng số điểm 10 với 411 bài thi đạt điểm 10; có hơn 1.100 lượt thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên ở các khối truyền thống. Trong đó, khối C có tới hơn 500 lượt, khối A: 290 lượt và gần 140 lượt ở khối D,…
Đối với Giáo dục Mầm non, quy mô trường, lớp tiếp tục được mở rộng với 4 Trường Mầm non tư thục được thành lập mới. Trong năm qua, có thêm 33 trường đạt chuẩn Quốc gia (tăng 4,4% so với năm học trước).
Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ chuyển biến tốt, với số trường tổ chức bán trú đạt 99,6%; 100% các trường Mầm non thực hiện chương trình Giáo dục mầm non, số trẻ học 2 buổi/ngày đạt tỷ lệ 99,8%.
Trong năm học vừa qua, Thanh Hóa cũng duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3, là tỉnh thứ 15 của cả nước đạt mức độ này. Đồng thời, đạt công nhận phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Với hệ Giáo dục thường xuyên, năm học 2021-2022 Thanh Hóa có 100% học viên cấp THPT kết hợp học nghề. Các Trung tâm GDTX cũng tận dụng tối đa cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tiếp nhận học viên có nhu cầu học chương trình GDTX cấp THPT,…
Hơn 4.000 máy tính bảng đến tay học sinh
Năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng phân bổ hơn 4.000 máy tính bảng đến tay học sinh. Số tiền đã vận động, ủng hộ từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là hơn 6,3 tỷ đồng.
Cũng trong năm qua, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã xây dựng dự toán và được UBND tỉnh này phê duyệt 145 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 theo Chương trình mới. Đồng thời, Sở tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 3, 7 và lớp 10, thực hiện CT GDPT 2018 cho năm học 2022-2023.
Bước sang năm học 2022-2023, ngành GD Thanh Hóa sẽ tiếp tục rà soát những điểm nghẽn trong các quy định của pháp luật, để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Về chất lượng đội ngũ giảng dạy, năm học 2021-2022 Thanh Hóa có hơn 53.000 cán bộ, giáo viên. Trong đó, công lập hơn 50.000 người, còn lại là cán bộ, giáo viên ngoài công lập. Hiện tại, ngành GD Thanh Hóa thiếu gần 9.000 giáo viên so với quy định của Bộ GD&ĐT. Trong đó, bậc Mầm non thiếu nhiều giáo viên nhất với hơn 4.000, sau đó là giáo viên Tiểu học gần 3.400 người.
Chủ động phòng, chống và ứng phó với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và HS, cán bộ, viên chức, người lao động. Đồng thời, phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyển dụng giáo viên Mầm non và Phổ thông để bổ sung cho năm học 2022-2023 cùng những năm tiếp theo. Trong đó, ưu tiên giáo viên cho các môn học mới theo CT GDPT 2018.
Nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”; Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”. Phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ...
Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả CT GDPT 2018, như: chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học,… Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Tiểu học và THCS.
Ngoài ra, ngành GD Thanh Hóa cũng sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong môi trường giáo dục.
Bên cạnh chú trọng chất lượng giáo dục, trong năm qua, ngành Giáo dục Thanh Hóa cũng quan tâm tới giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho HS. Nhiều chương trình được triển khai, như “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 – 2030”; tiếp tục thực hiện hiệu quả “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”,…
Đến nay, đã có 100% cơ sở giáo dục thực hiện lồng ghép giáo dục đạo đức vào các hoạt động chính khóa và ngoại khóa. Thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Ngoài ra, các trường cũng xây dựng góc tư vấn học đường; linh hoạt tổ chức các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể giúp HS tránh xa tệ nạn xã hội.