Thanh Hóa: Hạ tầng giao thông 'đi trước, mở đường'

Với phương châm giao thông 'đi trước, mở đường', là khâu đột phá chiến lược để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đầu tư nhiều tuyến đường, cây cầu lớn… tạo đòn bẩy phát triển kinh tế, đặc biệt góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo khu vực miền núi.

Thanh Hóa có hệ thống giao thông đa dạng gồm đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không với cảng hàng không dân dụng Thọ Xuân… đã giúp địa phương thúc đẩy hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch, tạo mối giao lưu kinh tế giữa các khu vực trong tỉnh, liên tỉnh. Về đường bộ, nhiều dự án có tính chất lan tỏa được đầu tư xây dựng để kết nối các vùng kinh tế, các khu công nghiệp trọng điểm, khu du lịch của địa phương như: Tuyến nối các huyện phía Tây Thanh Hóa, đường Hồi Xuân – Tén Tằn; đại lộ Nam Sông Mã; đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn, cầu Chiềng Nưa; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, Quốc lộ 217…

Đường lên cửa khẩu Na Mèo, qua thị trấn Quan Sơn

Đường lên cửa khẩu Na Mèo, qua thị trấn Quan Sơn

Có thể nói, thời gian qua, nhờ hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư phát triển nên đời sống kinh tế - xã hội khu vực phía Tây gồm 11 huyện miền núi của Thanh Hóa có những bước đổi thay. Đơn cử như tuyến đường từ thành phố Thanh Hóa đến với huyện xa xôi nhất là Mường Lát với gần 300km đã thuận lợi hơn nhiều, những năm trước phải đi mất cả ngày đường thì đến nay đã “rút ngắn” khi thời gian di chuyển chỉ còn khoảng 6 giờ đồng hồ… Đến nay, mạng lưới giao thông trên khu vực miền núi Thanh Hóa đã có sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng đồng bộ. Tất cả các xã đều có đường ô tô có thể vào đến trung tâm xã; các bản làng đều có đường liên bản giúp thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản, phát triển đời sống...

Ông Phạm Văn Chung – Trưởng phòng Kế hoạch (Sở Giao thông Vật tải Thanh Hóa) cho biết: Mặc dù nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản còn hạn chế, nhưng thời gian qua Thanh Hóa luôn quan tâm đầu tư đẩy mạnh hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn và khu vực miền núi. Tới đây, Thanh Hóa sẽ tập trung nguồn lực, triển khai đầu tư mạng lưới giao thông trên khu vực miền núi theo Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt; phương án phát triển giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó ưu tiên đầu tư những công trình, dự án trọng điểm, có tính chất lan tỏa đảm bảo quy mô như quy hoạch được duyệt để kết nối các vùng kinh tế, các khu công nghiệp trọng điểm, khu du lịch, khu kinh tế Nghi Sơn và cửa khẩu giáp Lào. Cụ thể, đường bộ sẽ tập trung cho các tuyến đường kết nối thành phố Thanh Hóa với trung tâm huyện Ngọc Lặc, Mường Lát; cầu Cẩm Vân. Nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ, trong đó có một số tuyến nối khu vực miền núi phía Tây với khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố du lịch Sầm Sơn. Cùng với đó sẽ đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh một cách đồng bộ, đầu tư xây dựng mới một số tuyến; đầu tư xây dựng mới cầu trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện; xây dựng một số cầu vượt sông lớn tạo thành mạng lưới đường hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, 100% đường tỉnh được cứng hóa, cải tạo nâng cấp các tuyến đường khu vực miền núi đạt cấp IV, V.

Về giao thông nông thôn, tiếp tục phát huy mạnh mẽ phong trào làm giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu cứng hóa mặt đường giao thông nông thôn trên địa bàn đối với 100% đường huyện, 85% đường xã, 75% đường thôn bản; 100% đường huyện và tối thiểu 50% đường xã được bảo trì. Phấn đấu xây dựng cầu treo trên địa bàn các huyện miền núi để xóa bỏ toàn bộ các điểm vượt sông, suối bằng các hình thức như bè mảng, cầu tre, nứa…

Cũng theo ông Phạm Văn Chung, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, trong khi đó để đầu tư hạ tầng giao thông miền núi cần nguồn vốn rất lớn, do đó cần có các giải pháp, chính sách phù hợp để thu hút, huy động các nguồn lực của doanh nghiệp trong việc phát triển giao thông vận tải trên địa bàn khu vực miền núi.

Linh Nhi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-hoa-ha-tang-giao-thong-di-truoc-mo-duong-143476.html