Thanh Hóa hướng tới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh bền vững

Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tạo ra mô hình phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống là mục tiêu Thanh Hóa đang hướng tới

Ngày 7-10, tại Thanh Hóa đã diễn ra Hội thảo "Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số tỉnh Thanh Hóa". Dự sự kiện này có các ông: Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT); Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa.

Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh - Phó trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa, phát biểu tại hội thảo

Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh - Phó trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa, phát biểu tại hội thảo

Đến năm 2030, trong TOP 5 cả nước về chính quyền số

Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh - Phó trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa, khẳng định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh (CĐS&CĐX) là những yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững. Thực hiện việc chuyển đổi này mang lại nhiều lợi ích quan trọng, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề trên, theo ông Liêm, thời gian qua, Thanh Hóa đã và đang tích cực đẩy mạnh CĐS ở cả 3 trụ cột là: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ngay từ rất sớm (năm 2021), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06 về CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Quyết tâm đặt ra đến năm 2025, Thanh Hóa thuộc nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về CĐS; đến năm 2030 thuộc nhóm 5 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về chính quyền số.

Các đại biểu bộ, ngành trung ương và tỉnh Thanh Hóa dự hội thảo

Các đại biểu bộ, ngành trung ương và tỉnh Thanh Hóa dự hội thảo

Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, trong những năm qua, Thanh Hóa đạt được những kết quả tích cực về CĐS. Năm 2022, Thanh Hóa đứng thứ 15/63 tỉnh, TP trong cả nước về xếp hạng chuyển đổi số. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 16, kinh tế số xếp thứ 14, xã hội số xếp thứ 13 (kết quả năm 2023 chưa công bố).

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa, cho biết trong 9 tháng đầu năm 2024, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh cung cấp 1.680 dịch vụ công trực tuyến chiếm tỉ lệ 85%. Trong đó, 974 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 706 dịch vụ công trực tuyến một phần; đã được tích hợp, đồng bộ dữ liệu đầy đủ, chính xác với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Hiện nay, Thanh Hóa là tỉnh có số lượng TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến đứng đầu cả nước; tỉ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 99,51%. Việc trao đổi và xử lý văn bản hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các cơ quan khối Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cả 3 cấp với tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản là trên 3,3 triệu lượt, tỉ lệ ký số cơ quan đạt 98%...

Các đại biểu dự hội thảo "Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số tỉnh Thanh Hóa"

Các đại biểu dự hội thảo "Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số tỉnh Thanh Hóa"

Các đại biểu dự hội thảo "Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số tỉnh Thanh Hóa"

Các đại biểu dự hội thảo "Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số tỉnh Thanh Hóa"

Thanh Hóa đã kích hoạt thành công gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thực hiện rà soát được gần 2,3 triệu mã số thuế cá nhân, đạt tỉ lệ 98,4%; tỉ lệ các doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt 84%; 100% doanh nghiệp được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tổng số doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn là 615 doanh nghiệp.

"Tỉnh cũng là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Bộ tiêu chí và giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã. Đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã có 114 xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành chuyển đổi số cấp xã"- ông Quyết cho hay.

Ông Đặng Vũ Tuấn, Phó chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA), phát biểu tham luận

Ông Đặng Vũ Tuấn, Phó chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA), phát biểu tham luận

Yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay

Về tăng trưởng xanh, theo ông Mai Xuân Liêm, là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định 8 nhóm giải pháp chủ yếu với 105 nhiệm vụ cụ thể về tăng trưởng xanh.

Ông Liêm cho rằng CĐS không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. CĐX không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Quang cảnh hội thảo sáng nay 7-10 tại Thanh Hóa

Quang cảnh hội thảo sáng nay 7-10 tại Thanh Hóa

"Sự kết hợp giữa CĐS&CĐX tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là mục tiêu mà Thanh Hóa đang hướng tới"- ông Liêm khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Liêm, Thanh Hóa vẫn còn những khó khăn, hạn chế, chưa khai thác hết thế mạnh của CĐS. Đó là hạ tầng phục vụ CĐS còn thiếu; tài nguyên dữ liệu số còn ít, chưa đồng bộ; việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu số với các bộ, ngành Trung ương còn gặp khó khăn. Kinh tế số chiếm tỉ lệ nhỏ trong GRDP của tỉnh, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; CĐS ngành, lĩnh vực chưa nhiều. Thương mại điện tử phát triển chưa mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; còn tâm lý e ngại trong bộ phận người dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ số, nhất là thanh toán không dùng tiền mặt chưa được chú trọng...

Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, trao thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số

Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, trao thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa, trao thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa, trao thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số

Nhân dịp này, Ban tổ chức đã trao 35 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho 35 tập thể, 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số (giai đoạn 2022-2023.

Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, làm tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, ông Liêm đề nghị hội thảo quan tâm tập trung thảo luận một số vấn đề tỉnh đang quan tâm, đồng thời cho rằng hội thảo là cơ hội để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có những góc nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về CĐS&CĐX, đây cũng là dịp để các cấp, các ngành, các doanh nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh được kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các sản phẩm dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin, CĐS&CĐX phục vụ xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Mong muốn nhận được sự quan tâm của các tập đoàn, doanh nghiệp

Tại hội thảo, đại diện các bộ, ngành, nhà khoa học, các chuyên gia đã tập trung thảo luận một số vấn đề như: Định hướng mô hình tăng trưởng dựa trên kinh tế số trong bối cảnh quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, nâng cao tỉ trọng đóng góp của kinh tế số trong GRDP của tỉnh Thanh Hóa. Tăng trưởng kinh tế số gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Định hướng phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh đến năm 2030.

Các giải pháp nhằm thúc đẩy CĐS ngành, lĩnh vực; CĐS trong doanh nghiệp gắn với CĐX, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất lao động. Hoàn thiện hạ tầng số gắn với tăng trưởng xanh, giảm phát thải; các nền tảng, giải pháp số để CĐS và áp dụng vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh làm tăng năng suất, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thông qua hội thảo, Thanh Hóa cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành từ Bộ TT-TT, Bộ KH-ĐT, các tập đoàn, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh để Thanh Hóa có bước phát triển đột phá về chuyển đổi số trong thời gian tới cũng như đạt được mục tiêu theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10-11-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã đề ra.

Bài-ảnh: Tuấn Minh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thanh-hoa-huong-toi-chuyen-doi-so-chuyen-doi-xanh-ben-vung-196241007102901126.htm