Thanh Hóa: Huyện Lang Chánh không tạo điều kiện cho đầu tư mới trang trại lợn vì lo ô nhiễm

Đó là khẳng định của ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh về quan điểm của địa phương này trước thực trạng ô nhiễm môi trường từ các trang trại lợn trên địa bàn.

Lang Chánh là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, nông nghiệp hiện vẫn đang đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế địa phương. Thời gian qua, nhằm khai thác những lợi thế sẵn có trên lĩnh vực nông nghiệp, huyện Lang Chánh đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn, dự án trang trại chăn nuôi lợn cũng nằm trong số đó. Thống kê cho thấy hiện nay trên địa bàn huyện Lang Chánh có 05 trang trại nuôi lợn thịt và lợn nái sinh sản (04 trang trại tại xã Giao An và Trí Nang, 01 trang trại tại xã Tân Phúc).

Trang trại lợn của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri-Vina tại huyện Lang Chánh.

Trang trại lợn của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri-Vina tại huyện Lang Chánh.

Về mặt lợi ích chủ yếu mà các trang trại mang lại đó là đã tạo một phần công ăn việc làm cho lao động địa phương tuy nhiên trong công tác bảo vệ môi trường thì các trang trại này lại đã và đang gây nên không ít những hệ lụy, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của một bộ phận người dân và khiến họ bức xúc.

Lật lại khoảng thời gian vào tháng 8-9/2021 cho thấy tại thời điểm này, người dân thôn Giàng Vìn (xã Trí Nang) và thôn Chiềng Nang (xã Giao An) liên tục phản ánh bởi mùi hôi thối xuất hiện từ các trang trại lợn của Công ty TNHH MTV chăn nuôi T.I.G.E.R và Công ty CP chăn nuôi RTD khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Sự việc khiến Phòng TN&MT huyện Lang Chánh phải báo cáo lên cấp trên và Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã phải thành lập đoàn kiểm tra đối với trang trại lợn của 2 doanh nghiệp này.

Kết quả kiểm tra kết luận các doanh nghiệp trong quá trình chăn nuôi lợn đã gây ô nhiễm môi trường (mùi hôi thối) do chưa đầu tư đầy đủ các công trình xử lý mùi và chưa sử dụng các chế phẩm vi sinh để giảm thiểu mùi hôi, vì thế khi gặp thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng đến khu vực dân cư lân cận. Sau khoảng thời gian đó, người dân địa bàn nói trên cũng đã không ít lần tiếp tục phản ánh tình trạng tương tự, khiến chính quyền địa phương không khỏi đau đầu.

Mới đây nhất, người dân một số thôn thuộc xã Tân Phúc và thị trấn Lang Chánh lại tiếp tục phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường (mùi hôi thối được cho là do sự cố môi trường) từ trang trại lợn nuôi thử nghiệm trên địa bàn xã Tân Phúc của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina. Ngoài việc tiến hành kiểm tra, đôn đốc chủ dự án sớm hoàn thiện các điều kiện theo quy định của pháp luật, UBND huyện Lang Chánh cũng đã gửi văn bản tới Sở TN&MT Thanh Hóa đề nghị kiểm tra và xử lý theo quy định đối với hoạt động nuôi thử nghiệm của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina.

Lang Chánh đang rất kiên quyết trong việc xử lý và đề nghị xử lý các trang trại lợn vi phạm pháp luật về BVMT. Cùng với việc gửi văn bản tới Sở TN&MT để đề nghị kiểm tra và xử lý doanh nghiệp vi phạm như đã nói ở trên, ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh còn khẳng định: “Các trang trại nếu gây ô nhiễm môi trường, huyện không có bao biện và sẽ thẳng tay xử lý. Trước hết yêu cầu khắc phục khẩn trương sai phạm, còn nếu đến mức xử phạt sẽ phải làm thật nghiêm. Lang Chánh giờ không tạo điều kiện cho bất kỳ doanh nghiệp nào mới để xin đầu tư trang trại lợn, đó là quan điểm của huyện”.

Qua đây có thể thấy Lang Chánh đang rất thẳng thắn nhìn vào sự thật và rất kiên quyết trong việc xử lý và đề nghị xử lý các trang trại lợn vi phạm pháp luật về BVMT, nhằm sớm đem lại cuộc sống bình yên cho người dân cũng như tạo sự bền vững trong phát triển kinh tế trên địa bàn.

Thực tế cho thấy trong những năm qua, việc trang trại lợn của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc vốn đã xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong khi đó việc xử lý có lúc, có nơi chưa thực sự quyết liệt, khiến sai phạm vẫn tái diễn. Đồng thời qua đó cũng bộc lộ những yếu kém nhất định về “trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường” được quy định tại Luật bảo vệ môi trường hiện hành.

Điểm c,d,đ khoản 2 Điều 168 Luật bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực 01-01-2021 quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường của UBND cấp huyện như sau:

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp; chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

- Tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp của UBND cấp tỉnh; cải tạo, phục hồi môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

- Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về BVMT.

Đình Đông

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thanh-hoa-huyen-lang-chanh-khong-tao-dieu-kien-cho-dau-tu-moi-trang-trai-lon-vi-lo-o-nhiem-81203.html