Thanh Hóa: Khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến nông sản an toàn

Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng và yêu cầu khắt khe về kiểm dịch, an toàn thực phẩm (ATTP), các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX và người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng yêu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân.

Người dân tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn.

Người dân tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn.

Ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm an toàn

Thực hiện Kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 7.11.2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2030, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã và đang cho doanh thu hàng tỷ đồng/năm.

Tại thôn Bắc Trung, xã Nga Thành, huyện Nga Sơn ai cũng biết đến mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới của gia đình ông Mai Chấn Nhâm. Đây là mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch với tổng diện tích 13.000m2. Ngoài đầu tư hệ thống hạ tầng sản xuất như tường rào, đổ bê tông đường giao thông nội khu, gia đình ông Nhâm lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới thông minh. Chỉ cần cài đặt trên điện thoại, cứ đến giờ nhất định thì hệ thống tưới tự vận hành, giảm được nhiều nhân công và tiết kiệm nước. Theo hạch toán của gia đình, năm 2023, doanh thu của khu sản xuất đạt 1,6 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 800 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập 7 - 9 triệu đồng mỗi tháng. Từ thành công của mô hình sản xuất, những năm gần đây, ông Mai Chấn Nhâm phát triển thêm dịch vụ xây lắp nhà lưới trên khắp địa bàn tỉnh, đồng thời sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm đến các chủ mô hình khác.

 Người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn. Ảnh: Lê Hợi

Người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn. Ảnh: Lê Hợi

Tại xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh, gia đình chị Hà Thị Lan là một trong những hộ tiên phong “hiện đại hóa” quá trình sản xuất nông nghiệp, xóa bỏ thói quen canh tác thủ công lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Chị Lan chia sẻ: “Xu hướng của thị trường hiện nay là sử dụng những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... nên khi sản phẩm làm ra không đạt các tiêu chuẩn, chất lượng nói trên sẽ khó tiêu thụ, nhất là ở những thị trường khó tính”. Theo đó, gia đình chị Lan đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng xây dựng nhà màng, nhà lưới, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, tự động sản xuất hơn 800m2 rau, củ, quả an toàn. Nhờ kiên trì với hướng phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, sản phẩm hữu cơ của gia đình chị Lan được tiêu thụ rộng rãi tại một số cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn tại TP. Thanh Hóa, mang lại doanh thu hơn 300 triệu đồng/năm. Hiện nay, gia đình chị Lan đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, hướng dẫn, tập hợp một số hộ dân đang có xu hướng sản xuất “sạch” tại địa phương liên kết, hình thành một địa chỉ sản xuất tin cậy, cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn cho thị trường.

Đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Theo thống kê của Sở NN - PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, xu hướng sản xuất nông nghiệp an toàn (VietGAP, hữu cơ, theo hướng hữu cơ) đã và đang phát triển mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, với 2.471,8ha sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP; 13,6ha đạt chứng nhận hữu cơ và khoảng 5.100ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Trong quá trình sản xuất, chủ thể luôn tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu theo các tiêu chuẩn, lựa chọn phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh để chăm sóc cây trồng. Nhật ký chăm sóc cây trồng được ghi chép hàng ngày, từ bón phân, phòng bệnh đến phủ màng nilon bảo vệ cây trồng... Nhờ vậy, các sản phẩm đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, năng suất, chất lượng tốt, lợi nhuận cao hơn 20 - 30% so với canh tác theo phương pháp truyền thống.

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 16.10.2022 về việc lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn; UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2030 nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã vận dụng các cơ chế, chính sách tích tụ, tập trung đất đai, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân... để hỗ trợ, hình thành và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, bền vững. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ theo các chuỗi giá trị... Từ đó tạo điều kiện cho nông dân mở rộng sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh xây dựng các vùng chuyên canh, tập trung, mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất theo hướng an toàn, tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và ảnh hưởng tới tiến trình hội nhập kinh tế. Theo số liệu từ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.165 chuỗi thực phẩm an toàn, tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng được cung cấp thông qua các chuỗi đạt hơn 55%. Việc phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã giúp hình thành nhiều mối liên kết giữa sản xuất, cung ứng và tiêu thụ, nguồn thực phẩm cũng được giám sát chặt chẽ. Không chỉ củng cố niềm tin từ người tiêu dùng, đây còn là yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm; tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của người dân trong sản xuất, tiêu dùng sản phẩm an toàn.

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thanh-hoa-khuyen-khich-phat-trien-san-xuat-che-bien-nong-san-an-toan-post390239.html