Thanh Hóa: Kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập tại Thiệu Hóa và Thọ Xuân
Chiều 11/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên cùng Đoàn công tác đã đi kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn các huyện Thiệu Hóa và Thọ Xuân, giai đoạn 2019-2023.
Theo đó, Đoàn đã yêu cầu các địa phương, sau khi có quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng phương án chuyển đổi phù hợp. Trong đó, trước hết phải giải quyết dứt điểm tình trạng dôi dư các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố theo phương án bàn giao cho cộng đồng để nhân dân quản lý, sử dụng.
Các cơ sở dôi dư nằm ở 3 nhóm tài sản gồm: Các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, các công sở, trung tâm văn hóa, trạm y tế xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính; nhóm các đơn vị sự nghiệp của huyện; nhóm các cơ quan Nhà nước của Trung ương đứng chân trên địa bàn đã thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hiện nay, các cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sáp nhập chưa có phương án xử lý cụ thể, tài sản trong thời gian dài không được sử dụng đã xuống cấp, gây lãng phí. Quy trình xử lý nhà, đất, trụ sở của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn còn phức tạp nên việc sắp xếp, xử lý còn chậm, chưa hiệu quả. Số công sở được bàn giao cho các đơn vị khác sử dụng chưa nhiều.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập còn phụ thuộc vào các quy định về quy hoạch xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cơ sở. Hướng dẫn của các Bộ, ngành về việc xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư chỉ quy định chung chung nên địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Việc xử lý các nhà văn hóa thôn, xóm dôi dư khó khăn do nguồn vốn đầu tư xây dựng các nhà văn hóa chủ yếu được huy động từ nguồn đóng góp của Nhân dân.
Theo báo cáo và kiểm tra thực tế tại các huyện Thiệu Hóa và Thọ Xuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên khẳng định: Việc xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sáp nhập chưa hiệu quả, một phần do các huyện chưa thật sự chủ động trong việc xây dựng các phương án, cũng như tiến hành các trình tự thủ tục pháp lý để xử lý tài sản; Sở Tài chính và Sở Nội vụ chưa sâu sát, đôn đốc, hướng dẫn các huyện xử lý tài sản này. Ngoài ra, việc vận dụng các quy định của pháp luật trong xử lý tài sản công sau sắp xếp chưa thật sự thống nhất.
Đề nghị Sở Tài chính có báo cáo tổng quát về thực trạng các loại tài sản dôi dư theo 3 nhóm trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời đề xuất hướng xử lý. Đoàn công tác yêu cầu các địa phương, sau khi có quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng phương án chuyển đổi phù hợp. Trong đó, trước hết phải giải quyết dứt điểm tình trạng dôi dư các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố theo phương án bàn giao cho cộng đồng để nhân dân quản lý, sử dụng.
Đối với nhóm công sở cấp xã, những tài sản công nào đã có phương án bàn giao cho cơ quan Nhà nước khác quản lý, sử dụng thì bàn giao ngay. Đối với các cơ sở dôi dư còn lại, huyện cần xây dựng phương án xử lý phù hợp quy hoạch, phương án sử dụng đất nhằm phát huy hiệu quả kinh tế. Được biết, đến nay huyện Thiệu Hóa còn 48 cơ sở và huyện Thọ Xuân còn 152 cơ sở nhà đất cấp huyện, cấp xã và cấp thôn dôi dư.