Thanh Hóa: Một năm nhìn lại ngành Xây dựng

Năm 2023 là một năm nhiều khó khăn và thách thức đối với ngành Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, tập thể cán bộ, nhân viên ngành Xây dựng xứ Thanh luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ông Vũ Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa trao đổi với phóng viên.

Ông Vũ Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa trao đổi với phóng viên.

Vượt khó hoàn thành mục tiêu

Ngay từ những ngày đầu năm 2023, Sở Xây dựng Thanh Hóa và các địa phương đã tổ chức chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ lĩnh vực xây dựng một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm theo phương châm chỉ đạo của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”.

Trong đó, đáng chú ý là lĩnh vực cải cách hành chính của Sở đạt nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Năm 2023, Sở Xây dựng không chỉ duy trì triển khai các giải pháp thực hiện công tác cải cách hành chính, mà còn thực hiện tốt công tác giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính cắt giảm thời gian giải quyết để thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đơn vị đã nhận và xử lý 28.573 văn bản thuộc tất cả các lĩnh vực quản lý của Sở (trong đó phát hành trên 9.300 văn bản), các văn bản được xử lý có chất lượng, đảm bảo thời gian quy định.

Công tác quy hoạch xây dựng năm 2023 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm triển khai, số lượng hồ sơ quy hoạch được lập nhiều, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, thu hút nhiều dự án tại các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, Sở Xây dựng Thanh Hóa đã hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 tại Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 17/3/2023; hoàn thành trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Lam Sơn - Sao Vàng.

Sở đã chủ trì kiểm tra việc kinh doanh, niêm yết giá của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều công văn, chỉ thị nhằm đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.

Hàng tháng, Sở Xây dựng đều ban hành các công văn về đề nghị khảo sát giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Từ tháng 3/2023, Liên Sở Xây dựng - Tài chính đã thực hiện công bố giá vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ, tại bãi tập kết.

Việc công bố giá vật liệu xây dựng của Liên Sở Xây dựng - Tài chính đã đảm bảo kịp thời, thông tin đủ độ tin cậy, phù hợp với giá thị trường và công bố kịp thời với biếnđộng của giá cả thị trường vật liệu xây dựng. Qua đó, việc xác định giá xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực…

Kết quả, năm 2023, trên 2/3 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực xây dựng dự ước hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, tổng giá trị gia tăng theo giá cố định năm 2010 đạt 20.603 tỷ đồng, tăng 4,07% so với năm 2022, bằng 93,1% kế hoạch (kế hoạch đạt 22.130 tỷ đồng tăng 11,6% so với năm 2022); tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đô thị đạt 96%, bằng 100,2% so với năm 2022; tỷ lệ đô thị hóa đạt 38%, bằng 102,7% so với năm 2022.

Đổi mới để phát triển

Để triển khai thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa Vũ Thanh Bình cho biết, toàn ngành sẽ kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao năm 2024.

Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức công vụ, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ, giờ làm việc gắn với việc đánh giá chất lượng, trình độ, năng lực của từng cán bộ, công chức; thực hiện nghiêm công tác sắp xếp, điều chuyển, bố trí cán bộ phù hợp với vị trí việc làm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, phấn đấu lên mức khá của tỉnh. Công tác quản lý quy hoạch kiến trúc: Tiếp tục tham mưu rà soát các quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị, các khu chức năng trên toàn tỉnh. Lập mới quy hoạch chung (QHC) các đô thị được xác định trong hệ thống đô thị theo quy hoạch tỉnh, tiến tới mục tiêu 100% các đô thị mới dự kiến hình thành trên địa bàn tỉnh có QHC đô thị được duyệt. Hoàn thành phủ kín QHC xây dựng xã, quy hoạch phân khu tại các thành phố, thị xã.

Triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, để đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 tỉ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 40% trở lên. Tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu, giúp UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh; thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng; trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng đối với UBND cấp xã và cấp huyện.

Tăng cường công tác khảo sát giá tại các mỏ, điểm tập kết, nơi sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh để bám sát diễn biến của thị trường vật liệu xây dựng. Kịp thời cập nhật, công bố hàng tháng giá (nếu cần thiết) những loại vật liệu có biến động lớn để các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng biết, thực hiện.

Công tác quản lý vật liệu xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan rà soát các mỏ khoáng sản để tích hợp vào Quy hoạch vật liệu xây dựng ở Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.

Hoàn thành điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở và Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030; Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” và Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu và kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về chất lượng, thi công công trình xây dựng theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-UBND ngày 28/9/2021 của UBND tỉnh, về việc phân công, phân cấp thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu và chủ trì giải quyết sự cố công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tiến Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thanh-hoa-mot-nam-nhin-lai-nganh-xay-dung-369792.html