Thanh Hóa ngăn chặn tình trạng thao túng thị trường cung ứng gạo

Cùng với cả nước, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng nhằm tháo túng giá cả các mặt hàng lúa, gạo trên địa bàn....

Thanh Hóa triển khai các biện pháp ngăn chặn nạn đầu cơ, găm hàng “bắt tay nhau” đẩy giá gạo tăng

Thanh Hóa triển khai các biện pháp ngăn chặn nạn đầu cơ, găm hàng “bắt tay nhau” đẩy giá gạo tăng

Trong bối cảnh giá lúa gạo thế giới tăng mạnh, thị trường trong nước đã xuất hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, các thương lái tranh nhau thu mua thóc với giá cao hơn doanh nghiệp, các đại lý gạo đẩy giá bán cao bất thường.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi đã có chỉ đạo về việc phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường thóc, gạo trên địa bàn tỉnh này.

CHỦ ĐỘNG CÁC PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ

Sở Công Thương Thanh Hóa đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa thống kê sản lượng sản phẩm thóc gạo trên thị trường hiện nay (qua các doanh nghiệp kinh doanh, sơ chế) và dự báo tình hình sản lượng sản phẩm thóc, gạo trên địa bàn tỉnh sản xuất trong thời gian tới; đánh giá khả năng cung ứng cho thị trường nội tỉnh.

Trong trường hợp thị trường mặt hàng thóc, gạo có biến động bất thường chủ động xây dựng giải pháp, phối hợp cùng với Sở Công Thương để tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa có biện pháp xử lý.

Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê danh sách các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh sản phẩm thóc, gạo trên địa bàn tỉnh; đề nghị các cơ sở nêu trên chủ động xây dựng phương án và có cam kết dự trữ đảm bảo nguồn hàng thóc, gạo cung ứng cho thị trường tỉnh Thanh Hóa từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn. Danh sách và khả năng cung ứng của các cơ sở nêu trên, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi về Sở Công Thương trước ngày 31/8/2023 để Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng Kinh tế Hạ tầng, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường thóc, gạo, phối hợp và vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sơ chế, chế biến và kinh doanh thóc gạo trên địa bàn có phương án dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.

Nhiều đại lý gạo lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện cam kết không găm hàng để đẩy giá gạo lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng

Nhiều đại lý gạo lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện cam kết không găm hàng để đẩy giá gạo lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng

Ngoài ra, Sở Công Thương Thanh Hóa cũng đề nghị các doanh nghiệp có hệ thống phân phối, bán lẻ, các siêu thị, trung tâm thương mại tham gia kinh doanh mặt hàng thóc, gạo báo cáo về khả năng dự trữ mặt hàng gạo; chủ động xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung mặt hàng từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.

TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, KIỂM SOÁT

Hiện, các lực lượng quản lý thị trường Thanh Hóa đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình thị trường, diễn biến cung - cầu, giá bán của mặt hàng gạo để xây dựng phương án kiểm tra, giám sát và đề xuất các giải pháp góp phần nhằm ổn định thị trường.

Cục Quản lý tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đội chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Thời gian này lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường cung ứng gạo trên địa bàn

Thời gian này lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường cung ứng gạo trên địa bàn

Theo khảo sát của VnEconomy về giá gạo tại một số đại lý bán gạo tại tỉnh Thanh Hóa, trước đây nguồn cung ứng gạo đến từ khu vực phía Nam là chủ yếu, nhưng do thời gian gần đây giá gạo từ phía Nam đưa ra ở mức cao, nên nhiều đại lý chuyển sang lấy nguồn gạo từ các tỉnh phía Bắc.

Hiện giá gạo của các thương hiệu đã tăng khoảng từ 25 - 30% so với trước đây, giá gạo chưa có thương hiệu tăng khoảng 15% - 20%. Theo các đại lý nhận định đây là mức giá tăng cao nhất trong nhiều năm nay. Như gạo ST 21 có xuất xứ từ tỉnh Tiền Giang, trước đây giá chỉ 12.500 đồng/kg, nay đã tăng 15.500 đồng/kg; gạo miền Bắc cũng tăng từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/kg. Giá gạo tăng cao, dẫn đến nhiều người tiêu dùng, giảm số lượng khi mua, với tâm lý nghe ngóng thị trường.

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thanh-hoa-ngan-chan-tinh-trang-thao-tung-thi-truong-cung-ung-gao.htm