Thanh Hóa: Người dân chi gần 900 tỷ đồng mua 'xế hộp'
Trong 2 tháng đầu năm, trùng với dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người dân Thanh Hóa đã chi gần 900 tỷ đồng để mua sắm ô tô con.
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tỉnh Thanh Hóa tháng 2/2024, trong dịp đầu năm mới 2024 người dân Thanh Hóa đã chi mạnh tay cho các hoạt động mua sắm, giúp doanh thu thương mại trên địa bàn tăng mạnh.
Theo báo cáo, trong tháng 2, doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt hơn 12.775 tỷ đồng, tăng 6,3% so với tháng liền trước, và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt hơn 6.086 tỷ đồng, tăng 12,2% so tháng trước và tăng 33% so với cùng kỳ; nhóm hàng may mặc 702 tỷ đồng, tăng 2,8% so tháng trước và tăng 28,5% so cùng kỳ; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình gần 1.342 tỷ đồng, tăng 2,6% so tháng trước, tăng 31,1% so tháng cùng kỳ; xăng, dầu các loại 1.598,7 tỷ đồng, tăng 7,6% so tháng trước, tăng 21,7% so tháng cùng kỳ...
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 24.793 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 11.509 tỷ đồng, tăng 14,7%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 2.649 tỷ đồng, tăng 10,9%; xăng, dầu các loại 3.084 tỷ đồng, tăng 10,5%...
Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2024, người dân Thanh Hóa đã mạnh tay chi gần 900 tỷ đồng để mua sắm phương tiện ô tô cá nhân (loại dưới 9 chỗ ngồi). Cụ thể, trong tháng 1/2024, doanh thu từ ô tô con các loại trên địa bàn tỉnh này ghi nhận 410 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm ghi nhận 875 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo, tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, doanh thu từ cung cấp hàng hóa phục vụ ước đạt khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng, tăng 25,1% so với dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Trong đó, các cơ sở kinh doanh như: cửa hàng dịch vụ ăn uống, khu, điểm du lịch vui chơi, giải trí lớn mở cửa phục vụ khách ngay từ ngày đầu năm mới (mùng 1 Tết), đồng thời, các siêu thị lớn và hệ thống cửa hàng tiện lợi đồng loạt mở cửa trở lại ngay từ ngày mùng 2 Tết để phục vụ người dân.
Trong dịp này, Cục Quản lý Thị trường Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị liên quan, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào một số mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như: rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận trong đo lường, đóng gói, tăng giá bất hợp lý để thu lợi bất chính, gây mất ổn định thị trường.
Kết quả, từ ngày 20/01/2023 đến ngày 12/02/2024 (mùng 3 Tết), lực lượng Quản lý Thị trường đã xử lý 412 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vi phạm khác trong kinh doanh, tổng số tiền thu phạt vi phạm hành chính gần 2,5 tỷ đồng, tiền bán hàng tịch thu 158,3 triệu đồng; trị giá hàng tiêu hủy, chờ bán, chờ tiêu hủy trên 1,9 tỷ đồng.