Thanh Hóa: Nguy cơ 'đi trước về sau' trong thu hút FDI
9 tháng qua, Thanh Hóa thu hút được hơn 187 triệu USD vốn FDI, tăng 4,1 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, con số này vẫn khá khiêm tốn so với tiềm năng sẵn có.
Hụt hơi thu hút FDI
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Thanh Hóa, 9 tháng đầu năm 2023, Thanh Hóa thu hút 13 dự án, với tổng vốn đăng ký 187 triệu USD tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ. Lũy kế tới quý III/2023, tỉnh Thanh Hóa có 150 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ USD.
Mặc dù vậy, theo số liệu công bố từ UBND tỉnh Thanh Hóa về thu hút FDI trong những năm gần đây cho thấy, địa phương này đang có dấu hiệu chững lại trong hoạt động thu hút FDI, sau nhiều năm dẫn đầu khu vực miền Trung.
Cụ thể, năm 2021, Thanh Hóa thu hút được 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng kí mới đạt 112,7 triệu USD và 14,8 triệu USD vốn điều chỉnh; năm 2022, Thanh Hóa thu hút được 7 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký vỏn vẹn 71,2 triệu USD, thuộc diện thấp nhất khu vực Bắc Trung Bộ.
Trong tổng số 14,6 tỷ USD đăng ký (còn hiệu lực) lũy kế mà tỉnh Thanh Hóa thu hút được, phần lớn tới từ một số dự án trọng điểm, đã được đầu tư từ nhiều năm trước như: Xi măng Nghi Sơn vốn 650 triệu USD từ năm 1997, Lọc Hóa dầu Nghi Sơn hơn 9,3 tỷ USD từ năm 2008, hay mới đây như Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn với số vốn 2,8 tỷ USD cũng đã từ trước năm 2018... Chỉ tính riêng 3 dự án nói trên đã chiếm tới khoảng 90% số vốn FDI lũy kế mà địa phương này thu hút được từ trước tới nay.
Đáng chú ý, trái ngược với kết quả khiêm tốn của Thanh Hóa là bước tiến lớn về thu hút vốn FDI của các tỉnh trong khu vực. Thực tế trong một vài năm trở lại đây, Nghệ An đang nổi lên là điểm sáng trong thu hút FDI. Đây là tỉnh hàng xóm lân cận, với nhiều nét tương đồng, thậm chí là thua thiệt so với Thanh Hóa.
Theo công bố từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), vốn FDI đăng ký vào tỉnh Nghệ An trong 9 tháng đầu năm 2023 đã lần đầu vượt 1 tỷ USD, đạt 1,272 tỷ USD, xếp thứ 6/63 tỉnh thành thu hút FDI hàng đầu Việt Nam. Lũy kế đến nay, tỉnh Nghệ An có 145 dự án FDI (còn hiệu lực) đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt trên 3,87 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê của Người Đưa Tin, chỉ trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, Nghệ An đã thu hút khoảng 2,3 tỷ USD. Trong đó, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn, được đánh giá cao về công nghệ tìm tới Nghệ An đầu tư như: Tập đoàn Foxconn – đối tác hàng đầu trong chuỗi cung ứng của Apple; Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn; Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam sản xuất hợp kim nhôm phục vụ cho ngành sản xuất sản phẩm điện tử, năng lượng xanh... Đáng chú ý, trước thời điểm năm 2022, lũy hế thu hút FDI của Nghệ An chỉ vỏn vẹn ở mức hơn 1,5 tỷ USD.
Tiếp đó, xa hơn về phía Nam, Hà Tĩnh hiện cũng được xem như "thỏi nam châm" thu hút dòng vốn ngoại FDI. Với điểm xuất phát sau, là tỉnh nhỏ, nhiều hạn chế về diện tích, tài nguyên, nguồn lao động,... so với Thanh Hóa, tuy nhiên, Hà Tĩnh đã dẫn từng trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu công bố từ UBND tỉnh Hà Tĩnh, tính tới tháng 5/2023, lũy kế địa phương này đã thu hút được 68 dự án FDI, với vốn đăng ký lên tới 16 tỷ USD, nằm trong top 10 tỉnh thành thu hút vốn FDI của cả nước.
Có thể thấy, trong cuộc đua thu hút vốn FDI khu vực Bắc Trung Bộ thì Thanh Hóa đang phải đối mặt với nguy cơ "đi trước về sau" so với các địa phương khác trong khu vực.
Trao đổi với báo giới về cuộc đua thu hút vốn FDI khu vực Bắc Trung Bộ, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, Thanh Hóa đang phải đối mặt với việc đang đi chậm lại hơn so với các tỉnh, thành lân cận điển hình như Hà Tĩnh, Nghệ An.
Nhiều năm trước đây, Nghệ An và Hà Tĩnh phát triển chậm hơn rất nhiều so với Thanh Hóa. Tuy nhiên, hai địa phương này tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghiệp rất nhanh trong một vài năm trở lại đây. Nếu không thay đổi, phát triển công nghiệp của Thanh Hóa sẽ sớm bị bỏ lại.
"Loay hoay" tìm lời giải
Lý giải về những thành quả về thu hút đầu tư FDI trong những năm gần đây, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Đức Trung Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, để thu hút tốt FDI địa phương đã cố gắng xây dựng và thực hiện phương châm “5 sẵn sàng”, đó là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư, sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ.
Thực hiện phương châm này, Nghệ An xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư; thúc đẩy, hỗ trợ triển khai có hiệu quả các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp; tích cực, chủ động và linh hoạt trong xúc tiến, thu hút đầu tư, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ triển khai các thủ tục của các dự án FDI,...
Đưa chủ trương vào thực tế, Nghệ An đã cụ thể hóa quyết tâm đơn cử như việc ban hành Công văn số 6486/2023. Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính sớm hơn 20% so với quy định với những hồ sơ nộp trực tuyến và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, chậm trễ. Ngoài những nỗ lực về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hệ thống hạ tầng của Nghệ An cũng đang ngày càng hoàn thiện và đồng bộ.
Thành công của tỉnh Nghệ An trong thu hút FDI trong thời gian vừa qua, có thể là gợi ý giá trị cho Thanh Hóa trong việc đi tìm lời giải khơi thông dòng vốn FDI, khi 2 tỉnh có nhiều điểm tương đồng về vị trí, con người, tự nhiên.
Để tìm giải pháp, trong các năm qua, lãnh đạo Thanh Hóa đã rất tâm huyết, cố gắng thực hiện nhiều chuyến làm việc, hội nghị xúc tiến đầu tư với các đoàn công tác, tổ chức nước ngoài lớn như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), đoàn chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đoàn công tác của nhà đầu tư Ấn Độ; Tập đoàn WHA của Thái Lan... trong đó, đáng chú ý đã phối hợp, tổ chức thành công sự kiện Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Thanh Hóa để thúc đẩy thu hút đầu tư.
Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cũng đang nỗ lực tập trung nguồn lực giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo nhiều quỹ đất “sạch” để thu hút đầu tư. Hiện nay, các khu công nghiệp (KCN) tại Khu kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) phần lớn chưa được giải phóng mặt bằng. Với 8 KCN ngoài KKTNS, hiện chỉ mới có 5 KCN được đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa hoàn chỉnh.
Trong giai đoạn 2022-2026, Thanh Hóa sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu, đặc biệt tại KKTNS, các KCN và khu vực trọng điểm. Điều này đã được cụ thể hóa một phần tại Nghị quyết 357/NQ-HĐND ngày 11-12-2022 của HĐND tỉnh về việc phê duyệt đề án “Giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các KCN trong KKTNS”. Theo đó, trong giai đoạn 2023-2027, Thanh Hóa sẽ dành nguồn ngân sách khoảng hơn 11.000 tỷ đồng đầu tư các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng tại các KCN trong KKTNS.
Trong buổi gặp gỡ xúc tiến đầu tư với đối tác nước ngoài trong tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu ra những "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" của địa phương, cụ thể như: Nghị quyết 58 về xây dựng phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; về giao thông có các tuyến cao tốc kết nối tới thủ đô Hà Nội, cảng nước sâu Nghi Sơn được quy hoạch thành cảng 1A và đã có hãng tàu khai thác tuyến container quốc tế, có Cảng Hàng không Thọ Xuân được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế; có lực lượng lao động trẻ, dồi dào; có vị trí địa lý thuận lợi chiến lược, nguồn tài nguyên phong phú đa dạng...
Bên cạnh đó, Thanh Hóa là tỉnh thứ 4 cả nước được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh trong quý II vừa qua, đây là cơ sở pháp lý để địa phương triển khai thuận lợi các thủ tục liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư… Tuy vậy, Thanh Hóa dường như vẫn loay hoay, chưa thể tìm ra giải pháp hiệu quả để khai thông dòng vốn FDI "chảy trở lại" trong những năm gần đây.
Tín hiệu vui khi trong tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Sumitomo, là một trong những tập đoàn công nghiệp lớn, lâu đời của Nhật Bản đã ký kết biên bản ghi nhớ với tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, tập đoàn dự kiến sẽ đầu tư, phát triển khu công nghiệp (KCN) với diện tích 650ha, vốn đầu tư 400 triệu USD, biến phía Tây Tp.Thanh Hóa thành một KCN hàng đầu. Dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề được cho là điểm nghẽn trong thu hút FDI của tỉnh Thanh Hóa như thiếu mặt hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp quy mô lớn hiện đại, thiếu nhà đầu tư sơ cấp uy tín...
Qua trao đổi với Người Đưa Tin về tình hình thu hút vốn FDI của Thanh Hóa, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho biết, tổng vốn FDI đăng ký của Thanh Hóa vẫn thuộc thứ hạng cao của cả nước cũng như khu vực miền Trung. Tuy nhiên, vài năm gần đây, với điều kiện khó khăn chung khiến dòng vốn FDI về địa phương có phần hạn chế.
Trước tiên, theo ông Nghĩa, những năm qua diễn biến tình hình địa chính trị thế giới có nhiều phức tạp, xung đột vũ trang đã gây đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá nhiên liệu lạm phát khắp nơi tăng cao, đẩy kinh tế thế giới nguy cơ lâm vào suy thoái. Từ đó, dòng vốn FDI cũng bị hạn chế trước những điều chỉnh chính sách kinh tế của các nước trên thế giới.
Đồng thời, việc thiếu hụt mặt bằng sạch, với quy mô lớn cùng với cơ sở kết cấu hạ tầng công nghiệp vẫn còn hạn chế là cũng là những trở ngại lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài mà những năm qua Thanh Hóa đang tích cực khắc phục.