Thanh Hóa: Nhân giống, bảo tồn hai loài cây quý Vù hương và Re gừng

Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên đánh giá hiện trạng quần thể và đặc điểm phân bố tự nhiên 2 loài Vù hương và Re gừng, tuyển chọn 150 cây trội của hai loài để phục vụ nhân giống, bảo tồn.

Cán bộ kiểm lâm điều tra thực địa cây Re gừng. (Ảnh: TTXVN phát)

Cán bộ kiểm lâm điều tra thực địa cây Re gừng. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhằm bảo tồn các loài thực vật quý hiếm trong các tiểu khu rừng nguyên sinh, Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên đang triển khai đề tài khoa học “Điều tra, bảo tồn và phát triển 2 loài Vù hương, Re gừng thuộc chi Quế tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa (2023-2025)."

Đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã tổ chức điều tra 25 tuyến rừng, lập 25 tuyến điều tra tại các khu rừng (OTC) đánh giá hiện trạng quần thể và đặc điểm phân bố tự nhiên 2 loài, tuyển chọn được 150 cây trội của hai loài để phục vụ nhân giống, bảo tồn.

Ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, cho biết trong 3 năm thực hiện nhiệm vụ khoa học trên, kiểm lâm viên sẽ thực hiện điều tra hiện trạng, đặc điểm sinh vật học, sinh thái học của 2 loài Vù hương, Re gừng tại Khu bảo tồn.

Đồng thời, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển đối với Vù hương và Re gừng, đảm bảo hiệu quả, khoa học, khả thi tại khu bảo tồn.

 Cây Vù Hương tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên. (Ảnh: TTXVN phát)

Cây Vù Hương tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên. (Ảnh: TTXVN phát)

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên sẽ tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo tồn, phát triển loài Vù hương, Re gừng và các loài thực vật quý, hiếm, đặc hữu, loài ưu tiên bảo vệ, cũng như in ấn 100 bản hướng dẫn kỹ thuật gieo ươm, trồng, chăm sóc 2 loài Vù hương, Re gừng.

Ngoài ra, kiểm lâm viên cũng sẽ lựa chọn 150 cây trội cung cấp hạt giống, trồng 20.000 cây giống 2 loài Vù hương, Re gừng mỗi loài 10.000 cây.

Lực lượng này sẽ xây dựng mô hình trồng rừng tập trung với diện tích 2 ha, chuyên trồng hai loài Vù hương, Re gừng với mật độ trồng 1.000 cây/ha và mô hình trồng bổ sung làm giàu rừng 4ha với 2 loài Vù hương, Re gừng mật độ 500 cây/ha.

 Cây Re gừng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa). (Ảnh: TTXVN phát)

Cây Re gừng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa). (Ảnh: TTXVN phát)

Dự án sẽ giúp Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, phục hồi thảm thực vật, tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ đất, điều hòa nguồn nước, chất lượng môi trường được cải thiện. Bên cạnh đó, dự án cũng giúp Ban đưa ra các giải pháp để bảo tồn, phát triển thực trạng quần thể các loài cây quý hiếm tại các khu rừng Xuân Liên. Thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiếp tục theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển và giám sát các nguy cơ đối với hai loài trên các ô tiêu chuẩn và các tuyến giám sát.

Theo Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, loài Vù Hương (Cinnamomum balansae, Lecomte) hay còn gọi Gù hương là loài cây gỗ lớn thường xanh, cao từ 20-30 mét.

Cây có thân tròn, thẳng, vỏ cây màu nâu xám, quả hình trái xoan, hạt Vù hương có màu đen. Loài cây này thường mọc rải rác trong rừng rậm nhiệt đới ẩm. Cây đã có tên trong sách Đỏ Việt Nam năm 2007, thân, cành lá có nhiều tinh dầu dùng làm dược liệu, hương liệu, gỗ cây tốt và không mối mọt, được ưa chuộng làm đồ gia dụng.

Còn loài Re gừng (Cinnamomum obtusifolium, A.Chev) là cây gỗ lớn, cao tới 30 mét, đường kính 50 cm, quả mọng, chín vào tháng 2-3, hạt có dầu. Cây chủ yếu phân bố ở các nước Lào, Trung Quốc.

Tại Việt Nam cây hay mọc tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An... Cây Re gừng có gỗ thơm, giác lõi phân biệt, dễ gia công, dùng đóng đồ mộc dân dụng. Lá, vỏ để cất tinh dầu dùng trong y học, làm bột hương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thanh-hoa-nhan-giong-bao-ton-hai-loai-cay-quy-vu-huong-va-re-gung-post969176.vnp