Thanh Hóa: Nhiều địa phương vẫn có nguy cơ xảy ra sạt lở đất sau mưa lũ

Do ảnh hưởng của mưa kéo dài, kết hợp với nước lũ rút chậm, trên địa bàn nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa vẫn có nguy cơ xảy ra sạt lở đất.

Theo báo cáo của UBND huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày từ bão số 3, số 4, khu vực đồi Na Lo thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh xuất hiện tình trạng sạt trượt đất, đá xuống khu vực dân cư gần chân đồi. Ngày 27/9, lực lượng chức năng của huyện Lang Chánh, xã Tân Phúc đã khẩn cấp di dời 5 hộ dân với 28 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Bờ suối Cái tại thôn Quang Trung, xã Lương Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa có nguy cơ sạt lở đất. Ảnh: TTV

Bờ suối Cái tại thôn Quang Trung, xã Lương Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa có nguy cơ sạt lở đất. Ảnh: TTV

Lực lượng chức năng huyện Lang Chánh xác định đồi Na Lo xuất hiện vết nứt ở vị trí mới, kéo dài và lấn sâu vào đồi Na Lo. Mặc dù trời không mưa, nhưng một lượng đất đá dưới chân đồi đã sạt trượt vào nhà dân, nguy cơ sạt lở rất cao, việc di dời người dân đã được xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh khẩn trương thực hiện trong chiều ngày 27/9.

Ông Lê Văn Phú - Chủ tịch UBND xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh - cho biết: Các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất đã được di dời đến khu vực an toàn để xây dựng nhà tạm. Về lâu dài, xã cũng đã đề xuất với huyện có phương án bố trí khu tái định cư cho người dân. Tại khu vực có nguy cơ sạt lở đất ở đồi Na Lo, xã đã cắt cử lực lượng chức năng theo dõi và cắm biển để cảnh báo người dân.

Tại huyện Thường Xuân, bờ hữu đê sông Âm, đoạn thuộc thôn Hưng Long, thôn Xuân Thắng, thuộc xã Ngọc Phụng có tổng chiều dài sạt lở của 3 vị trí khoảng 1.100m với khối lượng sạt lở trên 342.000 m3 đất. Ông Trịnh Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân - cho biết: Trước mắt, xã đã căng dây, đặt biển cảnh báo người dân không được di chuyển qua tuyến đường nằm dọc sông Âm đang bị sạt lở. Tình trạng sạt lở cũng đe dọa gây ảnh hưởng tuyến kênh TX17 Nam sông Chu - Bắc Sông Mã và 3 nhà van điều tiết nước (khoảng cách điểm bị ảnh hưởng gần nhất là 15m); đe dọa đường dây điện 35KW và 2 khu nghĩa trang của địa phương.

Tại huyện Bá Thước, UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ suối Cái tại thôn Quang Trung, xã Lương Trung, triển khai các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người, tài sản của các hộ dân sinh sống trong khu vực ảnh hưởng của sạt lở. Tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra. Thực hiện rào chắn, cắm mốc, biển cảnh báo nguy hiểm trong phạm vi sạt lở và thông tin, tuyên truyền cho các hộ dân, đơn vị trong khu vực biết để chủ động phòng tránh; tuyệt đối không cho người và phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là khi xảy ra mưa, lũ.

Bờ hữu đê sông Âm, thôn Hưng Long, thôn Xuân Thắng, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân bị sạt lở 3 vị trí khoảng 1.100m. Ảnh: Đình Giang

Bờ hữu đê sông Âm, thôn Hưng Long, thôn Xuân Thắng, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân bị sạt lở 3 vị trí khoảng 1.100m. Ảnh: Đình Giang

Trao đổi với Báo Công Thương, ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa - cho biết: Các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất đã được các địa phương cắm biển cảnh báo người dân, đồng thời cử người canh gác đề phòng các sự cố có thể xảy ra. Với thời tiết nắng như thế này sẽ rất thuận lợi cho công việc khắc phục hậu quả sau mưa lũ, giúp người dân dọn dẹp, sớm ổn định cuộc sống trở lại.

Hà Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-hoa-nhieu-dia-phuong-van-co-nguy-co-xay-ra-sat-lo-dat-sau-mua-lu-348961.html