Thanh Hóa: nhiều doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng BHXH

BHXH tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo quý 2/2024 về tình hình chậm đóng BHXH, BHYT và BHTN tại các đơn vị hành chính sự nghiệp cùng khối các doanh nghiệp.

Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng TP Thanh Hóa chậm đóng 10 tháng bảo hiểm. Ảnh: Hương Trà

Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng TP Thanh Hóa chậm đóng 10 tháng bảo hiểm. Ảnh: Hương Trà

Theo báo cáo của BHXH tỉnh Thanh Hóa, sau thanh tra, kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình thực hiện thu, chi BHXH, BHYT, BHTN; cấp và quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ở các cơ quan, đơn vị.

Theo đó, đã yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động tham gia BHXH cho 39 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đăng ký tham gia, số tiền truy thu trên 65,2 triệu đồng; kiến nghị nộp số tiền 2.274,9 triệu đồng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; lập biên bản vi phạm hành chính tại 5 đơn vị. Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định xử phạt 4 đơn vị với số tiền 84,4 triệu đồng và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt đối với 1 đơn vị.

Tại 17 đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, thời điểm ngày 31/12/2022 là 4.610.977.502 đồng, tính đến ngày 30/6/2024 còn chậm đóng 1.651.713.612 đồng, cụ thể: có 10 đơn vị đã chuyển số tiền chậm đóng tính đến 31/12/2022 và số tiền phát sinh đến 30/6/2024, hiện tại không còn chậm đóng BHXH.

Có 7 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên với số tiền là 1.720.266.670 đồng, gồm: Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng TP Thanh Hóa chậm đóng 10 tháng 195.543.873 đồng; Trung tâm Thông tin - Ứng dụng chuyển giao Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa chậm đóng 8 tháng 228.847.789 đồng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Thanh Hóa chậm đóng 3 tháng 108.553.286 đồng; Trung tâm Tư vấn quy hoạch, thị trường và chiến lược phát triển nông nghiệp chậm đóng 3 tháng 97.407.378 đồng.

Trong số 2.252 đơn vị khối doanh nghiệp đang hoạt động chậm đóng BHXH, BHYT và BHTN tại thời điểm 31/12/2022 chậm đóng là 314. 892.368.574 đồng, số phát sinh thu đến 30/6/2024 là 890.109.838.320 đồng, tổng số tiền phải trích nộp là 1.205.002.206.894 đồng, đã trích nộp 857.133.118.846 đồng, tính đến ngày 30/6 còn chậm đóng là 347. 869.088.048 đồng.

Đơn vị chậm đóng khó thu tại các khối doanh nghiệp trong số 520 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN tính đến ngày 30/6/2024.

Cũng theo báo cáo của BHXH tỉnh Thanh Hóa, nhiều đơn vị chậm đóng bảo hiểm phát sinh mới trong quý 2/2024, có 14 đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT và BHTN từ 3 tháng trở lên 1.749.933.983 đồng, gồm: Phân hiệu Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tại tỉnh Thanh Hóa chậm đóng 4 tháng với số tiền 536.047.682 đồng; Trường THCS Đông Hải chậm đóng 3 tháng với số tiền 313.854.201 đồng; Đoàn Đo đạc bản đồ và quy hoạch chậm đóng 4 tháng số tiền 281.686.976 đồng; Trung tâm Điều dưỡng- Phục hồi chức năng, Bộ Tài nguyên và Môi trường chậm đóng 4 tháng 215.742.586 đồng; Trung tâm Nghiên cứu Dược liệu Bắc Trung Bộ chậm đóng 3 tháng 125.672.089 đồng; Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa chậm đóng 4 tháng 109.509.249 đồng…

Có 426 đơn vị doanh nghiệp đang hoạt động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên với số tiền chậm đóng từ 20 triệu trở lên với tổng số tiền 31.857.875.286 đồng.

Bên cạnh đó, nhiều hạn chế, tồn tại cũng bộc lộ như: một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định trong việc thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN; việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN còn hạn chế, kết quả chưa cao; một số doanh nghiệp bị xử phạt hành chính và số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Doanh nghiệp có số tiền chậm đóng lớn và thời gian kéo dài, nhưng vẫn chưa thực hiện việc trích nộp theo quy định, dẫn đến số tiền chậm đóng ngày càng tăng và tăng với số tiền lớn, cụ thể: Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF &RESORT có 358 lao động chậm đóng 39 tháng với với số tiền 31,428 tỷ đồng; Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Thanh Hóa có 46 lao động chậm đóng 91 tháng với số tiền 17,108 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Lilama 5 có 40 lao động chậm đóng 57 tháng với số tiền 11,559 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh có 67 lao động chậm đóng 20 tháng với số tiền 4,534 tỷ đồng; Công ty TNHH Một thành viên JLG Vina có 13 lao động chậm động chậm đóng 49 tháng với số tiền 5,801 tỷ đồng; Công ty TNHH Liên doanh Vinastone - Hà Trung có 52 lao động chậm đóng 36 tháng với số tiền 4,644 tỷ đồng; Chi nhánh Thanh Hóa - Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC STONE - Yên Định có 62 lao động, chậm đóng 16 tháng số tiền 1,275 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Vật tư Tổng hợp Thanh Hóa có 65 lao động chậm đóng 19 tháng với số tiền 1,689 tỷ đồng; Công ty TNHH VINA - Yên Định có 22 lao động chậm đóng 30 tháng với số tiền 988,691 triệu đồng…

Các doanh nghiệp có số tiền chậm đóng lớn, lao động ít hoặc đã giảm hết, thời gian chậm đóng kéo dài, đã thực hiện thành, kiểm tra nhiều lần nhưng không thu hồi được tiền chậm đóng như: Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838, Công ty Cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Hoàng Long, Công ty Cổ phần Xây dựng Hancorp.2, Công ty Cổ phần Thiện xuân - Lam Sơn, Công ty TNHH Hà Thịnh - Hà Trung, Công ty TNHH Chế biến hải sản Ngọc Sơn, Công ty Cổ phần Sản xuất, thương mại và Dịch vụ Vận tải An Huy - Nghi Sơn và Công ty Cổ phần Bỉm Sơn Viglacera…

Hiền Thinh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thanh-hoa-nhieu-doanh-nghiep-don-vi-hanh-chinh-su-nghiep-cham-dong-bhxh.html