Thanh Hóa: Nhiều ý kiến liên quan đến ngành Xây dựng được thảo luận và chất vấn

Ngày 13/12, tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII (nhiệm kỳ 2021-2026), nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu được nêu ra, trong đó ý kiến về giá vật liệu xây dựng, các dự án nhà ở xã hội cho người lao động và một số ý kiến chất vấn liên quan đến các dự án chậm tiến độ.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa Lê Minh Nghĩa trả lời các câu hỏi của các đại biểu.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa Lê Minh Nghĩa trả lời các câu hỏi của các đại biểu.

Tiếp tục ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiều tham luận được các đại biểu đã nêu ra trong đó có giá vật liệu xây dựng, các dự án nhà ở xã hội cho người lao động. Cụ thể, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nêu ra ý kiến: Hiện nay, giá vật liệu xây dựng là một trong những điểm nóng, mối quan tâm lớn nhất đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nguyên nhân chính được xác định là do chênh lệch giữa bảng giá thông báo của tỉnh so với giá thực tế. Mặt khác, việc cấp phép khai thác vật liệu xây dựng tại các mỏ có trữ lượng cấp ra còn thấp so với nhu cầu, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng về nguyên vật liệu, không đáp ứng đủ cho các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, ông Cao Tiến Đoan đề nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo các Sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá đúng thực trạng cung cầu để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh cấp phép đủ trữ lượng vật liệu tại các mỏ, giúp doanh nghiệp hoàn thành tiến độ dự án một cách an toàn, thuận lợi.

Còn đại biểu Trịnh Thị Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh nêu: Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 dự án xây dựng nhà ở xã hội đã được cấp phép xây dựng, khởi công xây dựng, với số lượng khoảng 8.748 căn hộ; trong đó, đã đưa vào sử dụng 2.197 căn. Để tạo điều kiện cho người dân sớm tiếp cận được với nhà ở xã hội, đại biểu đề nghị cần có cơ chế, nguồn lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đoàn viên, hội viên, người dân biết về các dự án nhà ở xã hội đang xây dựng và mở bán.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cần sớm cân đối nguồn địa phương (bao gồm vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội) để các đối tượng đủ điều kiện được thuê, mua nhà ở xã hội. Cơ quan chức năng cần tổ chức thanh tra, kiểm tra, khảo sát đối tượng mua nhà ở xã hội nhằm đảm bảo đúng đối tượng; xác định giá và các chính sách ưu đãi hỗ trợ người lao động (nếu có) đã phù hợp với thu nhập của người lao động hay chưa.

Chiều cùng ngày, các một số đại biểu đã có một số câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về nhiều dự án còn chậm. Trước khi vào phần chất vấn, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hiện nay, có 23 dự án đầu tư trực tiếp có quy mô lớn đang thực hiện với tổng mức đầu tư khoảng hơn 74 nghìn tỷ, trong đó các dự án khởi công trước năm 2021 là 7 dự án với tổng mức đầu tư hơn 25 nghìn tỷ đồng, các dự án khởi công trong giai đoạn 2021 – 2024 là 16 dự án với tổng mức đầu tư hơn 48 nghìn tỷ đồng. Trong số 23 dự án có 7 dự án đảm bảo tiến độ thực hiện, còn 16 dự án có tiến độ thực hiện chậm so với quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII.

Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII.

Nguyên nhân các dự án chậm là do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành hồ sơ thủ tục kéo dài, các dự án chậm tiến độ do các quy định của pháp luật, các dự án chậm tiến độ do ảnh hưởng của các công trình dự án khác và các dự án do chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện dự án…

Tại phần chất vấn, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Nổi bật có ý kiến của đại biểu Đỗ Ngọc Duy, tổ đại biểu Nga Sơn: Nhiều dự án điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư; trong đó có nội dung liên quan tới lùi thời gian thực hiện dự án. Có dự án thực hiện điều chỉnh chủ trương tới 8 lần như Dự án dây chuyền 1, nhà máy xi măng Công Thanh. Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân điều chỉnh chủ trương và có giải pháp nào ngăn ngừa được việc điều chỉnh, gia hạn nhiều lần mà nhà đầu tư vẫn không triển khai?

Trả lời cho câu hỏi của đại biểu Đỗ Ngọc Duy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việc thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư liên quan tới quy mô dự án, tổng mức đầu tư hay thời gian thực hiện, thay đổi chủ đầu tư đã được pháp luật quy định rất rõ ràng. Vì vậy, khi nhà đầu tư đề xuất nhu cầu điều chỉnh phù hợp với quy định của pháp luật, thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện. Với các trường hợp cố tình kéo dài thời gian triển khai dự án thì qua theo dõi, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét.

Thảo Chi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thanh-hoa-nhieu-y-kien-lien-quan-den-nganh-xay-dung-duoc-thao-luan-va-chat-van-390783.html