Thanh Hóa phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để phát triển nhanh, bền vững
Tiếp nối tuyền thống yêu nước, cách mạng, khai thác hiệu quả tiềm năng, phát huy lợi thế, tỉnh Thanh Hóa có bước phát triển nhanh, đột phá trong thập niên thứ hai của thế kỷ này. Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị mới ban hành mở ra thời cơ, vận hội cho Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững, trở thành cực tăng trưởng mới.
Tiếp nối tuyền thống yêu nước, cách mạng, khai thác hiệu quả tiềm năng, phát huy lợi thế, tỉnh Thanh Hóa có bước phát triển nhanh, đột phá trong thập niên thứ hai của thế kỷ này. Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị mới ban hành mở ra thời cơ, vận hội cho Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững, trở thành cực tăng trưởng mới.
Thanh Hóa là vùng đất căn bản, quê hương giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Trong đêm trường nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, nhiều thanh niên yêu nước trăn trở “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”, trong đó thanh niên Lê Hữu Lập sớm tham gia lớp huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc), trở về nước hoạt động. Đây cũng là người đảng viên Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục, tích cực vận động thanh niên sang Quảng Châu huấn luyện, trở về nước thành lập, nhân rộng các hội đọc sách báo cách mạng, thúc đẩy phát triển các tổ chức tập hợp quần chúng, lãnh đạo nhân dân đấu tranh.
Sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng trong năm 1930 các chi bộ đảng: Hàm Hạ, Phúc Lộc, Yên Trường được thành lập ở các vùng nông thôn tỉnh Thanh Hóa. Quá trình chuẩn bị về chính trị tư tưởng, phát triển các chi bộ đảng, tạo tiền đề tổ chức thành công hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vào ngày 29-7-1930. Ra đời, tôi luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa dần khẳng định vai trò lãnh đạo, trưởng thành qua các cao trào cách mạng, xây dựng chiến khu Ngọc Trạo, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân, thực hiện khởi nghĩa từng phần thắng lợi ở huyện Hoằng Hóa, rồi tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân lao động trong mùa thu cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử. Cũng từ đây, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng cả nước nỗ lực diệt giặc đói, giặc dốt, chống lại họa ngoại xâm, thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, “chín năm làm một Điện Biên”, để “Bây giờ Việt Nam tiếng đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tiếp tục lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, làm nên chiến thắng Hoằng Trường trong trận đầu đế quốc Mỹ “dựng nên” sự kiện Vịnh Bắc Bộ để leo thang đánh phá miền bắc; rồi chiến thắng Hàm Rồng-Nam Ngạn ngày 3 và 4-4-1965 góp phần cùng quân dân trong tỉnh bắn rơi, bắn cháy 47 máy bay Mỹ. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng từng ghi nhận, ở vùng bắc miền trung người phụ nữ rất thành thục, gánh vác việc cày, bừa, phần việc nặng nhọc của nam nhi. Không cá biệt khi đang cày ruộng, người thân của đồng chí Lê Khả Phiêu nghe tiếng anh gọi, dừng trâu, nhìn lên đường chỉ thấy chiếc xe quân sự đang chạy về tuyến lửa. Hậu phương lớn, chiến trường trực tiếp, nên hình ảnh “mẹ đặt mũi cày chênh chếch hố bom”, “thầy nhập ngũ, rồi chúng tôi nhập ngũ/góc đỏ cuối trời, góc tím quê hương” cũng là hành động, ý chí, khát vọng chung, hành quân cùng người lính. Tiễn biệt người cha kính yêu, con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khắc ghi: "Bố vẫn nói với chúng con rằng được như ngày hôm nay phải biết ơn hàng triệu người đã ngã xuống, hàng nghìn gia đình mất người thân, nhiều nghìn người đã không còn nguyên vẹn thân thể khi trở về, di chứng chiến tranh còn theo họ và gia đình họ đến tận bây giờ. Bố dặn chúng con phải luôn gần gũi với dân, phải sống xứng đáng với những đóng góp và hy sinh của nhân dân, dù ở bất kỳ cương vị nào”.
Tiếp nối truyền thống yêu nước, cách mạng, khắc ghi công lao, sự hy sinh, cống hiến to lớn của nhân dân, thế hệ tiền nhân, hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là một thập niên trở lại đây Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, điều hành khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, đạt tốc độ tăng trưởng cao, từng bước trở thành một cực tăng trưởng mới ở vùng Bắc Trung Bộ, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thấy rõ Thanh Hóa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có vai trò kết nối vùng đồng bằng Sông Hồng, Tây Bắc với Bắc Trung Bộ, nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, đưa Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững, trở thành cực tăng trưởng mới cùng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển, sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như căn dặn của Bác Hồ lúc sinh thời, Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đề cập, nhấn mạnh tới nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền.
Thời gian qua, Thanh Hóa đã bố trí, sắp xếp thu gọn đầu mối tổ chức, bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, giảm bảy các phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên trách giúp việc Tỉnh ủy, giảm hai khoa và tương đương của trường Chính trị tỉnh; bố trí 27 Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị, 17 Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ huyện; tổ chức, sắp xếp lại bộ máy một số Sở, Văn phòng UBND tỉnh, giảm 11 phòng, ba chi cục; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm một phòng, hai chi cục, năm đơn vị trực thuộc; giải thể 27 công đoàn giáo dục cấp huyện; giải thể, tổ chức lại năm trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; hợp nhất 28 Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, thành lập Văn phòng đăng ký đất đai; thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch trên cơ sở hợp nhất các đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện, giảm 91 đầu mối; sáp nhập, giảm 1.578 thôn, phố, giảm 76 xã, phường, thị trấn…
Thanh Hóa tăng cường xây dựng đảng bộ đoàn kết, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, chính quyền cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo, có tư tưởng đột phá, dám xả thân vì sự phát triển của tỉnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đổi mới mạnh mẽ, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng, hiệu quả công tác dân vận.
Cùng với việc tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế tương đồng với các tỉnh, thành phố lớn khác trong cả nước; Thanh Hóa đang triển khai quán triệt, xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết với những việc làm cụ thể, khả khi, chú trọng phát huy nội lực, nguồn lực con người, “lấy sức dân lo cho dân”; phát triển toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm ba vùng kinh tế-xã hội theo hướng: Phát triển bền vững miền núi, vùng có vai trò bảo đảm an ninh môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, quốc phòng, an ninh và đoàn kết các dân tộc; phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng, trung du đóng vai trò trung tâm với ba cực tăng trưởng là thành phố Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, thị trấn Lam Sơn; phát triển đột phá và bền vững vùng ven biển, hải đảo với hai cực tăng trưởng là thị xã Nghi Sơn và thành phố Sầm Sơn.
Nội dung Nghị quyết 58 đặt ra yêu cầu phát triển nhanh hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết nối hạ tầng đô thị, giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng miền, cực tăng trưởng. Thanh Hóa tiếp tục huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, quy mô lớn, ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối các cực tăng trưởng. Tỉnh nỗ lực hoàn thành, đưa vào khai thác đường nối từ trung tâm thành phố Thanh Hóa đi cảng hàng không Thọ Xuân và các huyện phía tây của tỉnh; đường nối Quốc lộ 47B với Quốc lộ 45 đi tỉnh Ninh Bình; đầu tư các tuyến đường kết nối các tuyến giao thông trục chính với nút giao đường cao tốc bắc-nam, đường bộ ven biển qua tỉnh.
Đặc biệt, Thanh Hóa đầu tư nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối giữa tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh tây bắc, nước bạn Lào; nâng cấp cảng hàng không Thọ Xuân thành cảng hàng không quốc tế trước năm 2025; nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; sớm hoàn chỉnh cảng biển Nghi Sơn thành cảng 1A… Theo đó, hạ tầng giao thông thúc đẩy giao lưu kinh tế, trao đổi hàng hóa với các vùng kinh tế động lực, kết nối sáu liên kết vùng nội tỉnh cùng sáu hành lang kinh tế tương tác, thúc đẩy tăng trưởng các vùng, miền, nhất các huyện miền núi vùng cao biên giới phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa, nơi có địa hình cách trở, điều kiện dân sinh kinh tế còn nhiều khó khăn, xa các cực tăng trưởng trong tỉnh và thiếu tuyến giao thông kết nối thuận lợi với các tỉnh vùng tây bắc.
Thanh Hóa chủ động đề xuất phương án, lĩnh vực hợp tác, mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, thành phố Hà Nội, các tỉnh, thành phố trong cả nước trên tinh thần tự nguyện, đôi bên cùng có lợi. Trọng điểm tăng cường phối hợp, gắn kết với các tỉnh, thành phố bạn là thành phố Thanh Hóa, Khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Sầm Sơn, cảng hàng không Thọ Xuân với các nội dung: Xúc tiến đầu tư, thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Theo dự thảo báo cáo chính trị khóa 19, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa xác định nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ là một chương trình công tác trọng tâm trong thời gian tới cùng khâu đột phá về phát triển hạ tầng nhằm tập trung phát triển bốn trung tâm kinh tế động lực, năm trụ cột tăng trưởng, sáu hành lang kinh tế và sáu vùng liên huyện để tạo không gian mới cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, trở thành cực tăng trưởng mới, hợp thành tứ giác phát triển phía bắc của Tổ quốc.