Thanh Hóa: Quan Sơn phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) được nâng lên đáng kể. Diện mạo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã có nhiều đổi thay rõ nét nhờ huy được trò của tổ chức cơ sở đảng.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo hỗ trợ bà con bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy triển khai mô hình “Vườn rau xanh, nhà sạch, đẹp”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo hỗ trợ bà con bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy triển khai mô hình “Vườn rau xanh, nhà sạch, đẹp”.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quan Sơn Lương Thị Hạnh cho biết: Quan Sơn có 96% dân số là đồng bào DTTS. Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định cần tập trung phát huy vai trò của tổ chức đảng, nhất là tổ chức đảng vùng đồng bào DTTS. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động của cấp ủy cơ sở, phân công cấp ủy viên phụ trách cơ sở. Đồng thời chỉ đạo đảng bộ các xã đặc biệt khó khăn xây dựng các chi bộ điểm lãnh đạo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để từ đó nhân rộng ra các thôn, bản khác. Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã cụ thể hóa các chế độ, chính sách dân tộc gắn với các dự án, đề án để thuận lợi cho công tác lãnh đạo...

Hiện nay, Đảng bộ huyện Quan Sơn có 31 tổ chức cơ sở đảng; 186 chi bộ cơ sở trực thuộc đảng ủy các xã, thị trấn, chi bộ cơ sở thuộc đảng bộ khối các cơ quan, trường học, với 4.143 đảng viên.

Thời gian qua, Huyện ủy Quan Sơn đã điều động, luân chuyển 35 lượt cán bộ, trong đó từ huyện về xã 7 đồng chí, từ xã lên huyện 8 đồng chí, từ xã này sang xã khác 11 đồng chí. Việc xây dựng quy chế làm việc được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, qua đó phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ quan quản lý Nhà nước trong tổ chức điều hành các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Sơn Thủy là xã đặc biệt khó khăn, có 9,2 km đường biên giới tiếp giáp với huyện Viêng Xay, nước bạn Lào, với 4 dân tộc cùng chung sống gồm dân tộc Thái, Mông, Mường, Kinh; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 40,47%, cận nghèo chiếm 30,77%. Đảng bộ xã có 16 chi bộ với tổng số 270 đảng viên. Với những nỗ lực vượt khó, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thời gian qua xã đã có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Các chi bộ đã chỉ đạo đhân dân tập trung phát triển sản xuất các loại cây trồng chủ yếu và đạt được kết quả khả quan, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các hộ gia đình trên địa bàn xã được duy trì và ngày càng mang lại hiệu quả. Công tác tuyên truyền tiếp tục đẩy mạnh, nhân dân các bản trong xã hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới; đường làng, ngõ xóm ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.

Để có được kết quả đó, những đảng viên như chị Ngân Thị Lý ở bản Hiết là một trong những nhân tố điển hình. Chị đã mạnh dạn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế. Với đồng vốn ít ỏi, ban đầu chị nuôi một con bò sinh sản, sau đó nhân đàn, đến nay đàn bò đã lên đến gần 20 con, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Phát triển kinh tế hiệu quả, chị Lý thường xuyên chia sẻ phương pháp, cách làm với bà con trong bản, giúp các hộ gia đình cùng nhau phát triển kinh tế bền vững.

Chị Ngân Thị Lý chia sẻ: Đối với đồng bào “trăm nghe không bằng mắt thấy”, bởi vậy bà con phải nhìn được việc mình làm trước rồi mới làm theo. Muốn lãnh đạo được quần chúng nhân dân không có cách nào hiệu quả bằng việc nêu gương, đi đầu trong mỗi việc làm. Bất cứ công việc gì mới, chi bộ cũng phân công cho đảng viên làm trước.

Hiện nay các chi bộ cơ sở trực thuộc đảng ủy các xã, thị trấn, chi bộ cơ sở thuộc đảng bộ khối các cơ quan, trường học đã và đang duy trì tốt nền nếp sinh hoạt định kỳ hằng tháng, quy trình, nội dung sinh hoạt bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu, thực hiện đúng các nguyên tắc của Đảng, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị. Từ việc nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, Quan Sơn đã trở thành huyện miền núi đầu tiên của tỉnh hoàn thành việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng bản.

Bài và ảnh: Tuấn Khoa

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/co-so-dang/thanh-hoa-quan-son-phat-huy-vai-tro-cua-to-chuc-co-so-dang-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-21645