Thanh Hóa – Quảng Nam 'chia lửa' chiến trường cùng thắng Mỹ
Hòa trong tình cảm Bắc - Nam ruột thịt, mối quan hệ mật thiết giữa mảnh đất, con người Thanh Hóa và Quảng Nam đã để lại nhiều dấu ấn khó phai và hết sức ý nghĩa. Sau lễ kết nghĩa trang trọng được tổ chức tại thị xã Thanh Hóa năm 1960, sợi dây nối liền tình đồng chí, anh em giữa Đảng bộ, quân và dân 2 tỉnh Thanh Hóa – Quảng Nam càng thêm sâu đậm, bền chặt.
Tuổi trẻ quê hương chiến khu Ngọc Trạo sẵn sàng lên đường vào Nam diệt Mỹ. Ảnh: Tư liệu
“Chia lửa” với miền Nam và Quảng Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù là một trong những địa phương phải chịu sự đánh phá ác liệt của giặc Mỹ, song quân và dân Thanh Hóa anh hùng đã phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực chiến đấu bảo vệ vững chắc hậu phương, chi viện kịp thời sức người, sức của cho tiền tuyến “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Tại hậu phương, với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa”, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, động viên cổ vũ toàn dân tham gia sôi nổi. Tiêu biểu như “Thi đua làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Thi đua ba giỏi”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... Từ những phong trào ấy đã xuất hiện những nhà máy, xí nghiệp, những đồi cây, những công trình thủy lợi, công trình văn hóa – xã hội... mang tên Quảng Nam trung dũng, kiên cường ngay trên đất Thanh Hóa. Và, với phương châm “Xe chưa qua nhà không tiếc”, nhân dân Thanh Hóa đã dỡ nhà làm cầu và lát đường, bảo đảm “4 đường ra, 3 đường vào” cho các đoàn xe, các đoàn quân nối nhau ra tiền tuyến đến với chiến trường miền Nam và Quảng Nam – Đà Nẵng.
Công an Thanh Hóa tình nguyện vào Quảng Nam chiến đấu và công tác. Ảnh: Tư liệu
Không chỉ là hậu phương lớn, với tinh thần “Quảng Nam gọi, Thanh Hóa trả lời”, hàng nghìn người con ưu tú của quê hương Thanh Hóa đã lên đường vào chiến trường Quảng Nam - một trong những địa bàn “đọ sức” quyết liệt giữa ta và địch lúc bấy giờ. Tại các đơn vị như Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 89 đặc công, Bệnh xá 78... có thời điểm hơn 1/2 quân số là con em Thanh Hóa. Không ngại gian khó, hiểm nguy, những người con Thanh Hóa đã lặn lội khắp chiến trường Quảng Nam, được đồng bào, đồng chí Quảng Nam đùm bọc, yêu thương như người thân ruột thịt. Để góp thêm sức mạnh cho tiền tuyến, ngoài tăng cường quân số cho các đơn vị, tháng 8-1967, tại chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành), Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn được thành lập với 500 cán bộ, chiến sĩ biên chế thành 5 đại đội chi viện thẳng cho chiến trường Quảng Nam kết nghĩa. Đầu năm 1968, tiểu đoàn làm lễ xuất quân. Khi đặt chân đến vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng, tiểu đoàn đã tổ chức trận đầu tiêu diệt hơn 300 tên giặc Mỹ - Ngụy và được mệnh danh là “Quả đấm thép” của Thanh Hóa trên đất Quảng Nam. Tiếp đó, với tinh thần “Lam Sơn quyết thắng”, vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ, từ năm 1968-1975, Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu trên khắp các mặt trận Duy Xuyên, Điện Bàn, Hòa Vang, Đại Lộc..., lập nên nhiều chiến công vang dội. Nổi bật như các trận tiến công căn cứ quân sự ở An Hòa, Đức Dục, Ái Nghĩa, Cầu Đỏ. Chiến công có, nhưng mất mát cũng không nhỏ, sau những trận đánh đầy khói lửa đã có không ít người con Thanh Hóa ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng quê hương Quảng Nam. Song, chính sự hy sinh và những chiến công vang dội trên mảnh đất Quảng Nam anh hùng lại là hiện thân cao cả của tình đoàn kết keo sơn, gắn bó giữa 2 tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam. Cũng vì lẽ đó, trong thời kỳ đạn bom ác liệt ấy, ngoài việc cử những người con ưu tú trực tiếp vào chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam, tỉnh Thanh Hóa còn cử nhiều cán bộ chính trị, quân sự khác vào tăng cường cho Quảng Nam ruột thịt.
Những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng giờ, từng phút, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa luôn dõi theo, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu dũng cảm của đồng bào Quảng Nam. Mỗi chiến thắng từ Quảng Nam đều cổ vũ tinh thần và là động lực thi đua để quân, dân Thanh Hóa nỗ lực hơn trên mặt trận sản xuất và chiến đấu. Giữa hoàn cảnh ác liệt, cam go, những lá thư sâu nặng nghĩa tình từ Thanh Hóa gửi vào, từ Hội An gửi ra là niềm tin, là cả tấm lòng, là nguồn động viên to lớn để đảng bộ, quân và dân hai địa phương cùng tiếp thêm nghị lực, ra sức lao động, học tập, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Đáp lại tình cảm thiêng liêng, cao quý của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa, quân và dân tỉnh Quảng Nam đã chiến đấu ngoan cường, lập nhiều chiến công xuất sắc, xứng danh với danh hiệu “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Trong đó, phải kể đến là trận chiến đấu oanh liệt ở Núi Thành (đêm 25 rạng 26-5-1965), quân dân Quảng Nam đã tiêu diệt toàn bộ một đơn vị giặc Mỹ - mở đầu phong trào tìm Mỹ mà diệt trên chiến trường miền Nam. Là các trận đánh sân bay Nước Mặn, sân bay Đà Nẵng, cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968... Trải qua biết bao khó khăn, vất vả, sự hy sinh anh dũng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự đoàn kết, kiên cường, dũng cảm của quân và dân Quảng Nam, sự giúp đỡ quý báu, thân tình của quân và dân Thanh Hóa, ngày 29-3-1975, Quảng Nam hoàn toàn giải phóng.
Mối tình thủy chung, son sắt Thanh Hóa - Quảng Nam đã được xây dựng nên không chỉ có mồ hôi, công sức mà bằng cả máu xương và nước mắt của bao thế hệ. Tinh thần “chia lửa” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước với dấu ấn của những chiến công vang dội và hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ của quê hương Thanh Hóa hy sinh trên đất Quảng Nam sẽ mãi được ghi dấu và vang vọng đến mai sau.