Thanh Hóa: Sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng bền vững
Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn tập trung chỉ đạo nghiên cứu phát triển sản xuất đa dạng các sản phẩm vật liệu xây dựng mới có hiệu quả kinh tế cao, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành và đảm bảo tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, thân thiện với môi trường.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 562 đơn vị khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng gồm: Xi măng, gạch nung tuynel, gạch không nung, gạch ốp lát, tấm lợp fibro xi măng, đá ốp lát, vôi, cát nghiền, đá xây dựng, cát xây dựng, đất san lấp, đất sét gạch... Giá trị sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh hàng năm đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động. Sản phẩm vật liệu xây dựng đa dạng về mẫu mã; sản lượng sản xuất hàng năm đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, xuất bán ra tỉnh ngoài và xuất khẩu.
Tuy nhiên, hiện nay phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua còn một số hạn chế như: Các loại vật liệu xây dựng mới, chất lượng cao chưa nhiều, chưa bảo đảm các yếu tố để phát triển bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Để bảo đảm phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn theo hướng bền vững tỉnh Thanh Hóa tập trung chỉ đạo xây dựng, triển khai chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ mới trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng. Đầu tư sản xuất lớn với quy mô công nghệ hiện đại để từng bước loại bỏ tình trạng khai thác, chế biến thủ công nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ cảnh quan môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuê đất, mặt bằng sản xuất; đơn giản hóa các thủ tục cho vay; hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh; quan tâm đào tạo, phát triển lao động có kỹ thuật cao.
Đẩy mạnh xuất khẩu để mở rộng thị trường vật liệu xây dựng, tạo điều kiện khai thác hết năng lực sản xuất để củng cố, chiếm lĩnh thị trường trong nước. Mở rộng, cung ứng các sản phẩm vật liệu xây dựng thông thường, sản phẩm vật liệu xây dựng tại chỗ, giá thành thấp đến thị trường khu vực nông thôn và miền núi. Đi đôi với đó, đầu tư vào việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm vào thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa tập trung chỉ đạo tăng cường công tác điều tra cơ bản đối với các chủng loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tổ chức khai thác, chế biến hợp lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm tài nguyên, thực hiện công tác bảo vệ môi trường, hoàn nguyên mỏ theo quy định.
Thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gắn khai thác khoáng sản với chế biến làm vật liệu xây dựng. Hạn chế, tiến đến không sử dụng đất canh tác nông nghiệp để sản xuất gạch nung, với việc nâng mức phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên trong việc khai thác đất sét sản xuất gạch nung. Hạn chế, tiến đến không sử dụng cát lòng sông phục vụ nhu cầu san lấp, nhất là loại cát đủ tiêu chuẩn làm cốt liệu cho bê tông, vữa xây trát.
Hình thành các khu vực, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng theo quy hoạch, cơ sở chế biến nguyên liệu bảo đảm cung cấp ổn định về chất lượng, số lượng cho cơ sở sản xuất. Sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, thay thế cho một số nguyên liệu chính trong sản xuất vật liệu xây dựng như: Gạch đất sét nung, xi măng, cát, cốt liệu, bê tông... Đẩy mạnh việc vận động các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới, sử dụng phế thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế; giảm tiêu hao năng lượng; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng.
Đi đôi với đó, thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, trong đó, chú trọng đào tạo cho người lao động ngay tại các cơ sở sản xuất. Kết hợp đào tạo chuyên môn, kiến thức quản lý kinh tế với bồi dưỡng nhận thức pháp luật, kỹ năng lao động, đạo đức xã hội, ngoại ngữ, quản trị kinh doanh, maketing để chính những người lao động và những sản phẩm họ làm ra có thể hội nhập được với nền kinh tế toàn cầu.