Thanh Hóa: Sạt lở bãi sông, biển ở Hoằng Phụ

Thời gian gần đây dải cát trồng phi lao trên bờ biển, bần trên bãi bồi cửa sông Mã ở xã Hoằng Phụ huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bị sóng cả, triều cường xâm nhập mạnh, cuốn đổ cây trồng, xói trôi, hạ thấp nền bãi cát ven bờ.

Cán bộ xã Hoằng Phụ phản ánh tình trạng nước biển xâm nhập, gây sạt lở dải cát ven bờ.

Cán bộ xã Hoằng Phụ phản ánh tình trạng nước biển xâm nhập, gây sạt lở dải cát ven bờ.

Vào các đợt mưa bão, sóng cả, triều cường đẩy nước biển xâm nhập bãi cát bên bờ biển, cửa sông trên chiều dài hơn 1km, cuốn đổ cây trồng, xói trôi, hạ thấp nền bãi cát ven bờ. Một chủ hộ ở xã Hoằng Thắng được giao quyền sở hữu hơn 1.000m2 đất bên bờ biển bị sóng nước xâm thực nhiều lần, cuốn đổ nhiều đoạn kè xây bao phía đông. Nước biển xâm thực, đe dọa dân cư thôn Tân Xuân, địa giới của Trạm kiểm soát Biên phòng Lạch Hới, gây sạt lở bãi bồi cùng thảm rừng trồng, quỹ đất công do xã Hoằng Phụ quản lý, uy hiếp diện tích nuôi trồng thủy sản ngoại đê của 4 hộ gia đình.

Chị Bùi Thị Hương ở thôn Tân Xuân phản ánh: Trước nhà tôi có bãi bồi, trồng phi lao dài, rộng, vươn ra gần dải cát ven bờ biển, cửa sông. Gần chục năm qua nhiều lần sóng cả, triều cường đã xâm thực vào sâu khoảng 500m, thảm phi lao ven biển dần biến mất. Nhà ở của gia đình tôi cùng dăm nhà dân khu vực này thuộc nguy cơ bị triều cường, nước biển xâm nhập nhưng gia đình không có điều kiện tìm nơi ở mới.

Cán bộ xã Hoằng Phụ phản ánh tình trạng nước biển xâm nhập, gây sạt lở dải cát ven bờ.

Cán bộ xã Hoằng Phụ phản ánh tình trạng nước biển xâm nhập, gây sạt lở dải cát ven bờ.

Theo các cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát Biên phòng Lạch Hới: Năm 2017 mưa to, lũ lớn đổ ra biển gặp lúc triều cường nên nước biển dâng cao, ngập cốt sân, nền nhà ở của cán bộ, chiến sĩ tới khoảng 1m. Hai năm trở lại đây tiếp tục xảy ra hiện trạng nước biển xâm thực bờ biển, điển hình là sóng cả, triều cường trong đợt bão số 4 vừa qua khiến nước biển xâm nhập trên chiều dài khoảng 1,5km, vị trí xâm nhập sâu nhất khoảng 170-200m. Đơn vị cùng chính quyền xã Hoằng Phụ đã khảo sát thực địa, tiếp tục theo dõi hiện tượng nước biển xâm thực bờ để báo cáo cập nhật nhất tới cơ quan cấp trên, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó theo các cấp báo động.

Chị Bùi Thị Hương ở thôn Tân Xuân phản ánh dải phi lao trên bãi ven bờ biển dần biến mất.

Chị Bùi Thị Hương ở thôn Tân Xuân phản ánh dải phi lao trên bãi ven bờ biển dần biến mất.

Được biết, xã Hoằng Phụ có 4,2km bờ biển, 3,8km đê cửa sông, dân số 1.560 người, 2.610 nhân khẩu; trong đó các thôn: Xuân Phụ, Tân Xuân bên bờ biển, các thôn Bắc Sơn, Hợp Tân bên bờ sông Cung. Sau sự việc vỡ đê biển và phát sinh một số điểm xung yếu về bờ biển ở Thanh Hóa, xã Hoằng Phụ đã được thi công kiên cố hóa hơn 01km đê biển.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoằng Phụ Nguyễn Thanh Bình trao đổi: Tình trạng nước biển xâm nhập, gây sạt lở, hạ thấp cốt nền khoảng 7-8ha đất công ích, đất quốc phòng và của một hộ dân. Cơ quan chức năng ở huyện và tỉnh đã xuống địa bàn nắm bắt hiện trạng, khảo sát thực địa, đề xuất, tham mưu giải pháp ứng phó.

Thảm rừng bị nước biển xâm thực, dần chết khô.

Thảm rừng bị nước biển xâm thực, dần chết khô.

Chính quyền cơ sở hiện theo dõi hiện trạng sạt lở, trấn an tâm lý, ổn định tư tưởng các hộ khu vực ảnh hưởng; rà soát, bổ sung phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Dù vậy, về lâu dài cần thực thi giải pháp công trình mới kiềm chế được hiện trạng nước biển xâm nhập, gây sạt lở bãi bồi cùng thảm thực vật ven biển, đe dọa các công trình công cộng, khu dân cư gần mép nước biển, cửa sông trên địa bàn xã Hoằng Phụ.

 Nhà dân ở thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ trước ẩn họa từ biển.

Nhà dân ở thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ trước ẩn họa từ biển.

MAI LUẬN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thanh-hoa-sat-lo-bai-song-bien-o-hoang-phu-post720105.html