Thanh Hóa sẽ tổ chức kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Triển khai 'Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2020'; Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống gia đình; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại là những thông tin văn hóa, gia đình tiêu biểu tại một số tỉnh Bắc Trung Bộ.
Thanh Hóa: Triển khai "Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2020"
Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 1319/KH-SVHTTDL triển khai "Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2020".
Theo đó, các nội dung triển khai phối hợp bao gồm: Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Duy trì và nhân rộng mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình; mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng; mô hình Đội phản ứng nhanh về phòng, chống bạo lực gia đình tại các huyện, thị xã, thành phố. Tổ chức các hoạt động truyền thông trọng điểm trong Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2020. Thực hiện có hiệu quả "Bộ chỉ số theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; thu thập, thống kê, tổng hợp, báo cáo về phòng, chống bạo lực gia đình trên phạm vi toàn tỉnh. Cung cấp nội dung, ấn phẩm truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình; đăng tải nội dung tuyên truyền trên các báo, đài. Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sau khi có hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tổ chức Hội thi Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2020. Tổ chức kiểm tra liên ngành về kết quả chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương.
Thông qua việc tổ chức các hoạt động phối hợp liên ngành nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Quảng Trị: Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống gia đình
Theo Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư "Về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" cho thấy, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng và hiệu quả.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của gia đình, hướng tới xây dựng gia đình với 4 chuẩn mực: no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Thông qua phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa, làng văn hóa" những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được kế thừa, phát huy mạnh mẽ; đồng thời các hủ tục lạc hậu dần dần được loại bỏ, mê tín dị đoan từng bước được đẩy lùi; tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Những giá trị nhân văn mới như bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của người phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội ngày càng được đề cao. Việc thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa đạt kết quả tốt.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đồng thời tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống gia đình để mỗi gia đình thực sự là môi trường lành mạnh, tổ ấm, là nền tảng, tiền đề hình thành nhân cách con người.
Quảng Bình: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về "Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội", Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức tốt việc quán triệt, triển khai thực hiện và tuyên truyền đầy đủ, kịp thời những nội dung Chỉ thị; các sở, ngành có liên quan đã làm tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa trên địa bàn và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, tổ chức tuyên truyền sâu rộng các nội dung của chỉ thị thông qua các hội nghị, các đợt sinh hoạt chính trị, sinh hoạt chuyên đề; in ấn và phát hành hơn 66.000 tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung về công tác gia đình, xây dựng đời sống văn hóa.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.175/1.181 khu dân cư đã xây dựng hương ước, quy ước trong đó có 545/1.175 khu dân cư đã thực hiện sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước theo Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 8/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa tăng hàng năm, đến năm 2019 đã có 204.385/239.664 gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 85,3%, tăng 16% trong 10 năm.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc được gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, từ đó nêu cao ý thức chấp hành kỷ cương pháp luật, giữ gìn thuần phong mỹ tục, đồng thuận, cùng nhau xây dựng môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh, góp phần bài trừ sự xâm nhập, tác động của các sản phẩm văn hóa độc hại.
Hệ thống các thiết chế văn hóa từng bước được cải thiện và đổi mới về phương thức tổ chức, hoạt động. Các đơn vị như Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh, Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình hàng năm tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân trong toàn tỉnh, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.
Bên cạnh đó, tuyên truyền về văn hóa ứng xử trong trường học, trong các gia đình học sinh tại địa phương, bồi dưỡng cán bộ về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử, hoạt động văn hóa, thể thao cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng… nhằm điều chỉnh cách thức ứng xử của mọi thành viên trong nhà trường theo thuần phong mỹ tục; tạo môi trường làm việc, học tập thân thiện, hợp tác, trách nhiệm, cởi mở, trung thực, văn minh, từ đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào nhà trường và thế hệ trẻ…