Thanh Hóa: Tài xế lùi xe thiếu quan sát cán một cháu nhỏ tử vong thương tâm
Trong lúc lùi xe do thiếu quan sát, tài xế điều khiển chiếc xe tải chở vật liệu khiến một cháu nhỏ bị cán tử vong thương tâm.
Theo báo Người lao động, sự việc xảy ra vào 16 giờ ngày 3/4, tại khu phố 5, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Vào thời điểm trên, tài xế N.V.L. (SN 1994; ngụ phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn), điều khiển ô tô tải mang BKS 36C-185.xx chở 60 bao xi-măng từ trụ sở Công ty Trường Giang (cạnh Bệnh viện ACA thị xã Bỉm Sơn) tới khu phố 5, phường Bắc Sơn để giao hàng cho khách.
Do thiếu quan sát khi lùi xe, chiếc ô tô đã tông trúng 1 trẻ em đang chơi gần đó. Khi mọi người phát hiện sự việc thì cháu bé đã tử vong.
Nhận được tin báo, lực lượng công an đã tới hiện trường tiến hành khám nghiệm, điều tra làm rõ nguyên nhân để xử lý theo quy định.

Hiện trường vụ việc. Ảnh NLĐ
Lùi xe làm chết người thì phạm tội gì?
Theo Điều 260 BLHS hiện hành về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì “Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Hậu quả gây ra có thể thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Làm chết người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Ngoài ra, khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
- Không có giấy phép lái xe theo quy định;
- Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
- Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
- Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
- Làm chết 02 người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Mặt khác, nếu làm chết 03 người trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên, hoặc gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Bên cạnh đó, trong trường hợp, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các trường hợp như: làm chết 03 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Đồng thời, khi phạm tội tại Điều 260 BLHS hiện hành, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Khoản 1 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định “đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ”. Do đó, nếu điều khiển phương tiện giao thông tham gia ở các khu vực khác không được liệt kê ở trên thì sẽ không được xem là tham gia giao thông đường bộ. Về điều này, Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 hướng dẫn áp dụng Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) đối với tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, nay là Điều 260 BLHS năm 2015, tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Mặc dù, Thông tư liên tịch số 09 trên hướng dẫn đối với BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009), khi BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) được ban hành, có hiệu lực thì vẫn chưa có văn bản thay thế Thông tư liên tịch trên. Tuy vậy, ta vẫn có thể vận dụng tinh thần của Thông tư này hướng dẫn về các vấn đề có liên quan để xem xét.
Điều 3 Thông tư liên tịch số 09 quy định: “Trường hợp phương tiện giao thông đường bộ di chuyển, hoạt động nhưng không tham gia giao thông đường bộ (như di chuyển, hoạt động trong trường học, công trường đang thi công hoặc đang khai thác) mà gây tai nạn thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” quy định tại Điều 202 BLHS mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng khác nếu thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm đó như tội “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 98 BLHS, tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” quy định tại Điều 99 BLHS hoặc tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, về an toàn ở những nơi đông người” quy định tại Điều 227 BLHS.”.
Có thể thấy, trường hợp phương tiện không tham gia giao thông đường bộ, nhưng có di chuyển, hoạt động tại khu vực khác như trường học, công trường mà gây tai nạn thì sẽ xem xét xử lý theo tội phạm tương ứng nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm của tội danh đó.