Thanh Hóa tăng tốc xóa nhà tạm, đặt mục tiêu hoàn thành trong tháng 10.2025

Tỉnh Thanh Hóa đang thể hiện quyết tâm chính trị cao độ nhằm thực hiện mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo và các đối tượng chính sách trước tháng 10.2025.

Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Những kết quả tích cực từ chương trình hỗ trợ

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, sau hơn một năm thực hiện Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và hộ còn khó khăn về nhà ở theo Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30.3.2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cùng với hơn sáu tháng triển khai Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát theo Chỉ thị số 42 ngày 9.11.2024 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã huy động được trên 621 tỉ đồng để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình; tổng kinh phí đã phân bổ là 477,6 tỉ đồng.

Từ nguồn lực đó, Thanh Hóa đã khởi công xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 7.718 hộ, trong đó 5.910 căn đã hoàn thành và 1.808 căn đang thi công.

Những ngôi nhà mới theo tinh thần Chỉ thị số 22 đã và đang hiện thực hóa ước mơ an cư cho hộ nghèo, gia đình chính sách Thanh Hóa". Ảnh: Phan Nga

Những ngôi nhà mới theo tinh thần Chỉ thị số 22 đã và đang hiện thực hóa ước mơ an cư cho hộ nghèo, gia đình chính sách Thanh Hóa". Ảnh: Phan Nga

Những ngôi nhà mới đã giúp các hộ dân có chỗ ở ổn định, kiên cố, là điểm tựa vững chắc để người dân yên tâm lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Văn Lanh, thôn Phú Minh, xã Đông Hòa (TP Thanh Hóa) là một minh chứng.

Sống trong căn nhà cấp bốn 20m² xập xệ suốt hàng chục năm, gia đình ông Lanh với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn – ba người con bị tàn tật, bản thân ông cũng tật nguyền – tưởng chừng không bao giờ có cơ hội xây dựng lại mái ấm vững chắc.

Thế nhưng, nhờ cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Chỉ thị số 22-CT/TU ban hành ngày 30.3.2024, gia đình ông đã nhận được 300 triệu đồng hỗ trợ từ Tổng Công ty CP Đầu tư xây dựng Minh Tuấn và 50 triệu đồng vật dụng gia đình từ Công ty CP Xây dựng MBM Group.

Ông Lanh xúc động chia sẻ: "Khi được cán bộ xã thông báo gia đình thuộc diện được hỗ trợ làm nhà, tôi vui mừng khôn xiết. Có nhà mới, gia đình tôi có thêm động lực để vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống".

Tương tự, bà Lê Thị Nhân ở thôn Trường Xuân, xã Đông Ninh (huyện Đông Sơn) cũng có hoàn cảnh éo le. Con trai mất, con dâu bỏ đi, bà phải nuôi dưỡng đứa cháu nội trong căn nhà cấp 4 xuống cấp nghiêm trọng.

Với sự hỗ trợ 80 triệu đồng theo Chỉ thị 22-CT/TU cùng sự chung tay từ cộng đồng, bà Nhân đã xây dựng được một ngôi nhà mới khang trang, kiên cố, mở ra hy vọng cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Gia đình ông Lanh, bà Nhân chỉ là hai trong hàng nghìn hộ nghèo được sẻ chia từ chương trình giàu tính nhân văn này.

Những ngôi nhà mới không chỉ đơn thuần là mái che mưa nắng mà còn thắp sáng niềm tin, ươm mầm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.

Những khó khăn, thách thức trong hành trình xóa nhà tạm

Mặc dù đạt nhiều thành tựu, tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở tỉnh Thanh Hóa, công tác triển khai còn gặp nhiều khó khăn.

Các hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt ở vùng núi cao, phân bố rải rác, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, khiến việc vận chuyển vật liệu xây dựng tốn kém và mất nhiều thời gian.

Ngoài ra, nhiều hộ đã từng thụ hưởng hỗ trợ từ các chương trình trước đây (như Chương trình 134, 167) nhưng nay nhà đã xuống cấp nghiêm trọng.

Tổng số hộ còn cần hỗ trợ lên tới 9.687 hộ, với nhu cầu kinh phí hơn 600 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, mức hỗ trợ xây dựng hiện nay còn thấp, không đủ để các hộ tự xây dựng nếu không có thêm nguồn lực từ cộng đồng.

Một số khó khăn khác còn liên quan đến thủ tục đất đai, việc giải ngân kinh phí còn chưa đồng bộ.

Nhiều hộ dù đã có trong danh sách hỗ trợ nhưng do thiên tai, mất đất ở, hoặc thiếu khả năng tự xây nhà (hộ neo đơn, tàn tật...) nên việc triển khai gặp nhiều trở ngại.

"Chỉ bàn làm, không bàn lùi"

Tại hội nghị giao ban đánh giá tiến độ thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi" và yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cuộc vận động.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh phát biểu tại hội nghị giao ban đánh giá tiến độ thực hiện cuộc vận động

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh phát biểu tại hội nghị giao ban đánh giá tiến độ thực hiện cuộc vận động

Cụ thể, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, trực tiếp là Bí thư và Chủ tịch UBND các địa phương phải chủ động lãnh đạo, chỉ đạo xử lý triệt để các vấn đề về đất đai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở cho các hộ đã được phân bổ kinh phí.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động sự chung tay của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức và người dân được đẩy mạnh.

Mục tiêu là đến ngày 31.10.2025, Thanh Hóa cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

NGUYỄN LINH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/thanh-hoa-tang-toc-xoa-nha-tam-dat-muc-tieu-hoan-thanh-trong-thang-102025-129904.html