Thanh Hóa: Thay đổi tư duy lao động cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi qua các mô hình sinh kế
Thay vì hỗ trợ các phần quà như trước đây, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã tạo sinh kế cho hội viên, phụ nữ ở vùng giáp biên, góp phần làm thay đổi tư duy lao động cho bà con từ bị động thành chủ động tham gia sản xuất.
Bà Ngô Thị Hồng Hảo - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa (bìa trái) trao con giống cho các thành viên Tổ hợp tác xã Yên Khương, huyện Lang Chánh.
Thanh Hóa hiện có 16 xã giáp biên thuộc 5 huyện miền núi gồm: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh và Thường Xuân. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) như Mường, Thái, Mông, Thổ và một số ít người thuộc các dân tộc khác. Do đặc thù địa hình nhiều đồi núi, hiểm trở, đi lại khó khăn nên đời sống của bà con còn nhiều vất vả.
Trong thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã phối hợp với bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế, mái ấm tình thương, hỗ trợ xi măng làm đường giao thông... thông qua chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ Biên cương" nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, phụ nữ tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Thay vì hỗ trợ các phần quà như trước đây, việc tạo sinh kế cho hội viên, phụ nữ đã góp phần làm thay đổi tư duy lao động, sản xuất cho bà con. Theo bà Lương Thị Hà - Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Chanh (huyện Mường Lát), các hộ được hỗ trợ con giống phải cam kết không bán, không giết thịt, nếu bán gia đình phải có trách nhiệm thay thế con đã bán; chăm sóc tốt để tái đàn; thực hành tiết kiệm để chia sẻ khó khăn với nhau; thực hiện nghiêm các quy định của hội phụ nữ, UBND xã và lồng ghép vào hương ước của thôn bản... Đây là cách làm mới đã phát huy hiệu quả bền vững các mô hình.
Nhờ chủ động, tích cực học hỏi trong việc chăn nuôi, 25 thành viên trong mô hình tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò sinh sản do phụ nữ làm chủ ở bản Chai (xã Mường Chanh, huyện Mường Lát) đã thực hành tiết kiệm hoàn trả lại vốn hỗ trợ ban đầu chỉ sau 2 năm. Các hội viên của Chi hội phụ nữ bản Chai cũng tiếp tục tặng bò giống cho 10 thành viên của THT chăn nuôi bò bản Na Hin, nâng tổng số bò của 2 bản Chai và Na Hin đã tăng lên 182 con.
Chị Vi Thị Mồn - hội viên Chi hội phụ nữ bản Chai (xã Mường Chanh, huyện Mường Lát) - phấn khởi cho biết: "Từ ngày được hỗ trợ bò, cả gia đình tôi ai cũng hào hứng chăm sóc tốt để có nguồn thu nhập. Chồng thì giúp đỡ làm chuồng, các con giúp mẹ chăn bò, các chị em thì bảo nhau dành dụm mua thêm con giống nuôi. Bò nuôi lớn bán được mình có thêm thu nhập, cuộc sống cũng đỡ vất vả".
Tại các xã như Yên Khương (huyện Lang Chánh), hội LHPN tỉnh hỗ trợ 4 mô hình sinh kế gồm 2 mô hình chăn nuôi dê, 1 mô hình chăn nuôi bò và 1 mô hình nuôi lợn lai sinh sản cho phụ nữ nghèo. Đến nay, các mô hình đều phát huy hiệu quả và có hộ thoát nghèo.
Hay tại xã Bát Mọt (huyện Thường Xuân) các mô hình sinh kế như mô hình nuôi bò, nuôi lợn nái đen sinh sản và mô hình nuôi vịt đều đang phát huy hiệu quả từ con giống hỗ trợ ban đầu. Nhiều hội viên đã thoát nghèo, mua sắm thêm phương tiện sản xuất, sinh hoạt, có điều kiện nuôi các con ăn học và trao cho 27 hộ khác.
Tính đến đầu năm 2023, 16/16 xã vùng giáp biên đã được Hội LHPN tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị, doanh nghiệp đồng hành tổ chức nhiều hoạt động mang lại lợi ích cho hội viên và người dân. Hiện nay các mô hình đang hoạt động hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao bởi tính nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao đời sống hội viên, phụ nữ.