Thanh Hóa: Thị trường bánh Trung thu truyền thống nhộn nhịp trở lại sau giãn cách
Thị trường bánh Trung thu tại TP Thanh Hóa đang nhộn nhịp trở lại sau nhiều ngày giãn cách xã hội.
Theo quan sát của phóng viên, trên một số tuyến phố trung tâm TP Thanh Hóa như Lê Hoàn, Nguyễn Trãi, Phan Chu Trinh, Trần Phú, Trường Thi... có nhiều quầy hàng trưng bày, bán bánh Trung thu của các thương hiệu lớn. Tuy nhiên, lượng người mua tại một số cửa hàng trên rất thưa thớt.
Trong khi đó, tại các cửa hàng bánh Trung thu truyền thống như Nam Hương, Thuận Nhàn (Tống Duy Tân, phường Lam Sơn), Đức Nghiêm (Trần Phú, Ba Đình)... lượng người mua có phần nhộn nhịp hơn.
Các cơ sở kinh doanh bánh Trung thu đảm bảo điều kiện bán hàng trong mùa dịch
Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh bánh Trung thu cho biết, năm nay giá các loại bánh Trung thu vẫn giữ nguyên, không có hiện tượng tăng vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tùy theo nhóm sản phẩm, nguyên liệu, thương hiệu sản xuất mà các loại bánh Trung thu có giá bán khác nhau từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng/hộp.
Cụ thể, đối với dòng bánh phổ thông, những chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống thường có giá dao động từ 50.000 - 70.000 đồng, với các mẫu mã phong phú. Mặt hàng bánh mà người dân ưa chuộng và mua nhiều nhất là bánh dẻo, bánh nướng với các hương vị cổ truyền như: thập cẩm đỗ xanh, thập cẩm trứng muối, thập cẩm thịt lợn nạc…
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các cửa hiệu bánh Trung thu truyền thống trên tuyến phố Tống Duy Tân, TP Thanh Hóa không còn cảnh xếp hàng dài, tắc đường, chen lấn. Những năm về trước, cảnh cãi vã, xếp hàng, tắc đường là điều dễ dàng nhìn thấy ở những tiệm bánh truyền thống trên tuyến đường này.
Cũng từ ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ bánh năm nay có đà giảm do nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện giãn cách xã hội. Đại diện một cơ sở kinh doanh bánh trung thu trên địa bàn TP Thanh Hóa cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát, lượng người mua giảm. Như nhiều năm trước không có dịch, trung bình một ngày cửa hàng bán ra được 800-1000 bánh.
Trước tình cảnh đó, nhiều chủ cơ sở kinh doanh đã thích ứng với cách bán hàng mới thông qua mạng xã hội và giao hàng tận nơi. Tuy lượng bánh bán ra không bằng mọi năm, nhưng cũng giúp cơ sở kinh doanh ổn định hơn trong mùa dịch.
Nắm bắt thị hiếu ngày càng chuộng các sản phẩm bánh gia truyền của người tiêu dùng, nhiều cơ sở sản xuất bánh Trung thu truyền thống đang tập trung sản xuất và đưa ra thị trường nhiều loại bánh với mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt.
Thương hiệu bánh Trung thu truyền thống được nhiều người dân Thanh Hóa ưa chuộng
Nhiều người dân chia sẻ, bánh Trung thu truyền thống có giá cũng không rẻ hơn các loại bánh khác hiện đại là mấy, nhưng quan trọng nhất là ngon, đảm bảo vệ sinh và hợp khẩu vị. Giờ đây nhiều cửa hiệu cũng chú trọng đến mẫu mã nên mua làm quà cũng rất lịch sự.
Thời điểm này các năm trước, thị trường bánh Trung thu đã bước vào chính vụ. Không chỉ các doanh nghiệp tất bật với việc sản xuất và kinh doanh loại bánh truyền thống mùa Trung thu, mà ngay cả cơ quan quản lý cũng tất bật với việc giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu.
Theo khuyến cáo của lực lượng chức năng, bánh Trung thu là thực phẩm không để được lâu, hạn sử dụng thường chỉ khoảng 2 tháng. Vì vậy, người tiêu dùng cần cẩn thận chọn bánh có nguồn gốc rõ ràng, ngay cả những bánh thương hiệu lớn cũng cần chú ý đến hạn sử dụng, bao bì sản phẩm.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị không tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu tại cơ quan, đơn vị, trường học, cộng đồng dân cư, khu vực tập trung đông người, khu vực công cộng, cơ sở điều trị, cơ sở cách ly y tế... Người dân tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu cho trẻ em tại gia đình và chấp hành nghiêm các quy định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.