Thanh Hóa thu ngân sách nhà nước hơn 56 nghìn tỷ đồng
Chiều 6/1, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp báo thường kỳ thông tin về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Theo báo cáo, năm 2024, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội ở Thanh Hóa ước đạt 138.856 tỷ đồng, vượt 2,9% kế hoạch, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Thanh Hóa thu hút được 113 dự án với tổng vốn đăng ký 13.376,9 tỷ đồng và 442,01 triệu USD, tăng 25,6% về số dự án và tăng 10,2% về vốn đăng ký.
Quyết liệt trong chỉ đạo, linh hoạt, sâu sát trong điều hành, nên giải ngân vốn đầu tư công ở Thanh Hóa đến hết ngày 31/12/2024 ước đạt tỷ lệ 89,4% kế hoạch, cao hơn 11,8% so với bình quân cả nước.
Thực thi có hiệu quả các giải pháp nuôi dưỡng, quản lý, khai thác nguồn thu, kết quả thu ngân sách nhà nước ước đạt 56.735 tỷ đồng, vượt 59,5% dự toán, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và xếp thứ 7 cả nước.
Tại buổi họp báo, đại diện một số cơ quan báo chí đề xuất thông tin thêm về định hướng chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới; băn khoăn về thu nhập bình quân đầu người luôn không đạt chỉ tiêu đề ra và các ngành cùng trao đổi, phân tích nguyên nhân chính là do chênh lệch tỷ giá, quy mô dân số thời điểm xây dựng kế hoạch so với thời điểm đánh giá.
Thanh Hóa tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; phát triển mạnh mẽ các ngành kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo động lực tăng trưởng.
Tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, thúc đẩy liên kết vùng, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng số.
Tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các biện pháp điều hành thu ngân sách nhà nước, phấn đấu cân đối thu-chi, tăng thêm nguồn chi cho đầu tư phát triển.