Thanh Hóa thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, góp phần xóa đói, giảm nghèo

Trong giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở thực hiện các chính sách dân tộc, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng tại các huyện miền núi ngày càng phát triển và củng cố. Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn các huyện miền núi bình quân hằng năm ước đạt 8,7%; quy mô kinh tế năm 2020 ước đạt 36.896 tỷ đồng, chiếm 15,6% quy mô GRDP của tỉnh.

Một góc thị trấn Yên Cát (Như Xuân). Ảnh: M.H

Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở Thanh Hóa giảm bình quân 2,56%/năm, vượt mục tiêu giảm 2,5%/năm và nằm trong nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước. Kết quả trên cho thấy quyết tâm cao, sự sáng tạo, chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương và các tầng lớp Nhân dân trong công tác giảm nghèo.

Để đạt được kết quả trên, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai kịp thời các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Trung ương và của tỉnh; dành nhiều nguồn lực và thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, giúp đồng bào đẩy mạnh sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng dân tộc, miền núi, góp phần không nhỏ củng cố khối đoàn kết dân tộc, nhân lên niềm tin của Nhân dân với sự lãnh đạo của Ðảng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng núi, biên giới của Tổ quốc. Bám sát Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 21-10-2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020, cấp ủy, chính quyền các cấp khu vực miền núi và các sở, ngành chức năng của tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp. Trong đó, tập trung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người nghèo; hỗ trợ cho các hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, mô hình giảm nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Bên cạnh nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội cũng đã có nhiều việc làm thiết thực giúp đoàn viên, hội viên nghèo thông qua các mô hình phát triển sản xuất; câu lạc bộ phụ nữ thoát nghèo... đã giúp đỡ được nhiều hộ thoát nghèo.

Người dân xã Yên Khương (Lang Chánh) được cán bộ Đồn Biên phòng Yên Khương hướng dẫn thực hiện mô hình ươm giống cây vầu bằng hạt, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Quốc Toản (Đồn Biên phòng Yên Khương)

Đồng chí Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh trong ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho các địa phương đã tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực miền núi theo hướng sản xuất gắn với thị trường, phát huy thế mạnh ở vùng dân tộc miền núi, giúp đồng bào chủ động vươn lên xóa đói, giảm nghèo... Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển khá toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của bà con được cải thiện rõ rệt; hệ thống kết cấu hạ tầng được tăng cường và củng cố; nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc làm cho lao động được quan tâm giải quyết; hệ thống chính trị được củng cố, đội ngũ cán bộ là người dân tộc được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng; an ninh trật tự được giữ vững, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo... Một số chương trình, dự án, chính sách cụ thể về dân tộc của Trung ương và của tỉnh giai đoạn 2016-2020, như: Chương trình 135 với tổng nguồn vốn thực hiện là 826,273 tỷ đồng; đã thực hiện đầu tư khởi công mới 1.206 công trình các loại; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo 171,065 tỷ đồng; nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở 22,888 tỷ đồng. Dự án định canh, định cư với kế hoạch vốn được giao thực hiện 9,2 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện dự án định canh, định cư bản Piềng Trang, xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí giao 68,478 tỷ đồng để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt và hiện vật cho 719.881 khẩu nghèo vùng khó khăn, hoàn thành 100% kế hoạch.

Trong giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở thực hiện các chính sách dân tộc, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng tại các huyện miền núi ngày càng phát triển và củng cố. Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn các huyện miền núi bình quân hằng năm ước đạt 8,7%; quy mô kinh tế năm 2020 ước đạt 36.896 tỷ đồng, chiếm 15,6% quy mô GRDP của tỉnh; cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch tích cực; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 33,1 triệu đồng (năm 2019 đạt 30 triệu đồng/người). Kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực miền núi.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chính sách dân tộc vẫn còn một số khó khăn đó là: Địa bàn miền núi rộng chiếm 3/4 diện tích toàn tỉnh, địa hình phức tạp, độ dốc cao, mưa bão, lũ ống, lũ quét; dân cư ở rải rác, phân tán; cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là các công trình thủy lợi, cấp điện, giao thông. Toàn vùng còn 6 huyện nghèo (từ năm 2018 trở về trước là 7 huyện) thực hiện theo Nghị quyết 30a; 100 xã đặc biệt khó khăn, khu vực III và 165/181 thôn, bản đặc biệt khó khăn của xã khu vực II thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả lao động thấp; lao động chủ yếu là lao động phổ thông, lao động có tay nghề và lao động có chất lượng cao còn hạn chế. Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, buôn bán, vận chuyển, sử dụng chất ma túy, di cư tự do, theo đạo, truyền đạo trái pháp luật còn diễn ra; hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chậm được khắc phục, đời sống của đồng bào dân tộc nhìn chung còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao (7,3% và 17,32% năm 2019), kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo, về công tác dân tộc tuy được ban hành nhiều nhưng bố trí nguồn lực còn hạn chế, phân tán, suất đầu tư thấp; một số chính sách được ban hành đã lâu chậm được sửa đổi, bổ sung nên không còn phù hợp với hiện tại; một số chính sách dân tộc được ban hành nhưng không có vốn để thực hiện... do đó chưa tạo ra sự đột phá trong thực hiện phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách dân tộc. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền đồng bào dân tộc Mông không di cư tự do, không truyền đạo trái phép; đẩy mạnh công tác tuyên truyền xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc. Đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi; tuyển dụng bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển, đảm bảo hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng yêu cầu của thời kỳ CNH, HĐH đất nước; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân vùng dân tộc và miền núi; đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Tăng cường đôn đốc các huyện, xã thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Trung ương và của tỉnh ban hành đảm bảo đúng địa bàn, đúng đối tượng, đẩy nhanh tiến độ và đạt hiệu quả cao.

Minh Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/thanh-hoa-thuc-hien-co-hieu-qua-chinh-sach-dan-toc-gop-phan-xoa-doi-giam-ngheo/129423.htm