Thanh Hóa: Tiếp nhận giải ngân 7,2 triệu USD từ các chương trình, dự án phi chính phủ

Lũy kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 48 chương trình, dự án phi chính phủ đang triển khai, giá trị giải ngân ước đạt 7,2 triệu USD (tương đương so với cùng kỳ năm 2022).

Theo báo cáo số 296/BC-UBND ngày 21/12/2023 về công tác quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, năm 2023, các cơ quan Trung ương và tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt tiếp nhận 18 chương trình, dự án, phi dự án trên địa bàn tỉnh, với tổng giá trị cam kết đạt 2,86 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 48 chương trình, dự án đang triển khai, giá trị giải ngân ước đạt 7,2 triệu USD.

Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực, như: Lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội với 13 chương trình, dự án (chiếm 27% tổng số dự án), giá trị giải ngân đạt 3,478 triệu USD; Lĩnh vực giáo dục và đào tạo với 13 dự án (chiếm 27% tổng số dự án), giá trị giải ngân đạt 1,665 triệu USD; Lĩnh vực tài nguyên môi trường với 9 dự án (chiếm 18,7% tổng số dự án), giá trị giải ngân đạt 1,232 triệu USD; Lĩnh vực Y tế với 13 dự án (chiếm 27% tổng số dự án), giá trị giải ngân đạt 780.933 USD.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi ký cam kết với các tổ chức phi chính phủ tài trợ cho tỉnh Thanh Hóa.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi ký cam kết với các tổ chức phi chính phủ tài trợ cho tỉnh Thanh Hóa.

Các dự án viện trợ PCPNN tại Thanh Hóa được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả tích cực, tuy có quy mô nhỏ, nhưng mang tính chất hỗ trợ trực tiếp, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao nhận thức cho một bộ phận nhân dân, đặc biệt là những người nghèo, trẻ em vùng dự án. Nguồn vốn của các dự án được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Phần lớn các dự án thực hiện đúng tiến độ như thỏa thuận, được chính quyền các địa phương và nhân dân đánh giá cao.

Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng cường hợp tác và tạo điều kiện cho các tổ chức PCPNN hoạt động trên địa bàn tỉnh, ưu tiên trong các lĩnh vực: Nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân; y tế; giáo dục và đào tạo; dạy nghề và hướng nghiệp; giải quyết các vấn đề xã hội; môi trường, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp, ứng phó với biến đổi khí hậu, văn hóa, thể thao, du lịch.

Theo Sở Ngoại vụ tỉnh Thanh Hóa, trong giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo địa phương này tiếp tục khuyến khích, tăng cường hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài và các đối tác tôn trọng, chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước Việt Nam và của địa phương, hoạt động vì mục đích nhân đạo và phát triển, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân tỉnh Thanh Hóa với nhân dân các nước và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc hợp tác và vận động viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức cụ thể ưu tiên hợp tác ở các lĩnh vực: Nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh; phát triển hạ tầng cơ sở có quy mô nhỏ ở nông thôn… Y tế: đào tạo cán bộ y tế; cấp học bổng đào tạo cán bộ y tế trong và ngoài nước; phát triển hạ tầng cơ sở y tế; hỗ trợ việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh… Giáo dục và đào tạo: hỗ trợ đào tạo giáo viên các cấp, ưu tiên đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục; trao đổi giáo dục, hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ; cung cấp học bổng đào tạo trong và ngoài nước… Đào tạo, dạy nghề và hướng nghiệp: hỗ trợ đào tạo, dạy nghề, chú trọng các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đang đô thị hóa; xây dựng chương trình đào tạo, dạy nghề phù hợp với định hướng phát triển ngành nghề, chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình dạy nghề hiệu quả…

Giải quyết các vấn đề xã hội: Giáo dục và giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và tài chính cho các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng yếu thế; phòng chống, buôn bán phụ nữ, trẻ em và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân khi bị buôn bán trở về… Môi trường: Bảo vệ môi trường: khuyến khích các dự án nhằm bảo vệ và cải thiện môi trường sống, môi trường thiên nhiên; nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và phòng chống buôn bán, nuôi nhốt, giết hại các loài động vật hoang dã… Phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp: Phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai, trồng và bảo vệ rừng (kể cả rừng ngập mặn), xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, hệ thống nhà chống lũ, đào tạo kỹ năng ứng phó khi xảy ra thiên tai... Văn hóa, thể thao, du lịch: tuyên truyền giá trị văn hóa và bảo vệ văn hóa phi vật thể, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa; hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; hỗ trợ các tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…

Ứng phó với biến đổi khí hậu: Khuyến khích các dự án nhằm ứng phó, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; giảm nhẹ cường độ phát thải khí nhà kính; kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống; hỗ trợ các mô hình nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, xây dựng mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu…

Tháng 10/2022, tại Hà Nội, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức hội nghị “Tăng cường hợp tác, vận động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các đối tác vào tỉnh Thanh Hóa”.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện Bá Thước, Thạch Thành của tỉnh Thanh Hóa và các tổ chức quốc tế đã trình bày các tham luận về giải pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm định các khoản viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022; thuận lợi, khó khăn trong quản lý, thực hiện, triển khai các chương trình, dự án viện trợ và đề xuất vận động viện trợ; tình hình tiếp nhận và quản lý các khoản viện trợ trên địa bàn huyện Bá Thước; phát huy hiệu quả các chương trình, dự án viện trợ trên địa bàn huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa; tổng quan các hoạt động của tổ chức Tổ chức Phát triển Hà Lan tại tỉnh Thanh Hóa và một số đề xuất; tổng quan các hoạt động của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Quốc tế tại Việt Nam tại tỉnh Thanh Hóa và một số đề xuất.

Qua đó, các tổ chức phi chính phủ đã ký cam kết tài trợ cho tỉnh Thanh Hóa 9,64 triệu USD.

Hoàng Đức

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thanh-hoa-tiep-nhan-giai-ngan-72-trieu-usd-tu-cac-chuong-trinh-du-an-phi-chinh-phu-84064.html