Thanh Hóa: UBND huyện Hậu Lộc đề xuất dự án tượng đài hơn 90 tỷ đồng
Trước khi miễn nhiệm chức vụ 22 ngày, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) ký tờ trình đề nghị thẩm định dự án Di tích trận địa Đông Ngàn và tượng đài Trung đội dân quân gái Hoa Lộc với tổng mức đầu tư hơn 90 tỷ đồng.
Phối cảnh tượng đài Trung đội nữ dân quân gái Hoa Lộc. Ảnh: TL
Ký trước buổi “hoàng hôn”
Ngày 1/9/2020, Tỉnh ủy Thanh Hóa có Thông báo về việc nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP của Chính phủ đối với ông Nguyễn Văn Luệ, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc nhiệm kỳ 2016-2021. Nội dung thông báo của Tỉnh ủy Thanh Hóa nêu rõ: ông Nguyễn Văn Luệ, SN 27/9/1962, được nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu từ ngày 1/10/2020.
Tiếp đó, ngày 4/9/2020, HĐND huyện Hậu Lộc đã tổ chức kỳ họp miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND huyện đối với ông Nguyễn Văn Luệ; đồng thời bầu chức danh chủ tịch đối với ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Bí thư huyện ủy.
Như vậy, kể từ ngày 4/9, ông Nguyễn Văn Luệ đã chính thức rời vị trí Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, nghỉ chờ hưu. Trước đó, tại đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hậu Lộc nhiệm kỳ 2020-2025, ông Luệ thuộc trường hợp không đủ tuổi tái cử cấp ủy.
Tuy nhiên, vào ngày 13/8/2020, trước ngày khai mạc Đại hội Đảng bộ huyện Hậu Lộc nhiệm kỳ 2020-2025 …1 ngày, ông Nguyễn Văn Luệ đã ký tờ trình số 112 về việc thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án: Khu di tích lịch sử Trận địa Đông Ngàn và Tượng đài Trung đội dân quân gái Hoa Lộc (gọi tắt là dự án Tượng đài) gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa.
Theo nội dung đề xuất của UBND huyện Hậu Lộc, dự án tượng đài có dự kiến tổng mức đầu 91.155 triệu đồng (Chín mươi mốt tỷ, một trăm năm lăm triệu đồng chẵn). Trong đó, nguồn vốn dự án huy động từ ngân sách tỉnh là 60%; 10% ngân sách huyện và 30% ngân sách xã hội hóa. Đây là dự án nhóm B do UBND huyện Hậu Lộc làm chủ đầu tư, HĐND tỉnh Thanh Hóa là cấp quyết định chủ trương đầu tư, UBND tỉnh là cấp phê duyệt đầu tư. Thời gian thực hiện dự án không quá 3 năm (2020 - 2022).
Theo đề xuất của UBND huyện Hậu Lộc, cơ cấu vốn đầu tư xây dựng công trình được phân bổ trong 3 năm. Năm 2020 phân bổ 8,081 tỷ đồng, năm 2021 phân bổ 39,169 tỷ đồng, năm 2020 phân bổ 43,905 tỷ đồng.
Có 8 khoản chi phí chính đối với dự án có tổng mức đầu tư hơn 91 tỷ đồng này, bao gồm: chi phí giải phóng mặt bằng 581 triệu đồng; chi phí xây dựng 39,152 tỷ đồng; chi phí thiết bị 1 tỷ đồng; chi phí phần mỹ thuật 35,818 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án 1,568 tỷ đồng; chi phí tư vấn 3,851 tỷ đồng; chi phí dự phòng 8,311 tỷ đồng; chi phí khác 875 triệu đồng. Riêng chi phí xây dựng tượng đài (bao gồm cả phần xây dựng và mỹ thuật) là hơn 36 tỷ đồng.
Cùng với tờ trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, UBND huyện Hậu Lộc cũng gửi kèm báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư. Theo đó, tổng diện tích đất thực hiện dự án là 1,66 héc-ta tại vị trí từng là trận địa chiến đấu của Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc trong kháng chiến chống Mỹ.
Hiện trạng nơi dự kiến xây tượng đài để giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân là bãi trồng hoa màu của người dân xã Hoa Lộc. Ảnh: Quang Duy
Dự án có 4 khu chính gồm: khu vực tượng đài, khu mô phỏng trận địa, khu để xe và khu phụ trợ. Tượng đài có chiều cao 16m, chưa bao gồm phần đế. Số 16 được lấy theo số ngày tháng thành lập trung đội (1/6/1967); chất liệu dự kiến bằng đá granit màu tro gồm 5 nhân vật và 1 khẩu súng 12 ly 7.
Trung đội dân quân gái Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, đơn vị Anh hùng LLVTND. Ảnh: TL
“Đội vốn” gần 70 tỷ?
Một chi tiết không thể không lưu tâm nữa là, năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án Khu di tích lịch sử Trận địa Đông Ngàn và Tượng đài Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc (Quyết định số 949/QĐ-UBND ngày 19/3/2019). Dự án do UBND huyện Hậu Lộc đầu tư nhằm tôn vinh, tri ân chiến công vẻ vang của Trung đội dân quân gái anh hùng xã Hoa Lộc; đồng thời xây dựng di tích thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân.
Năm 2019, dự án được phê duyệt hơn 21 tỷ đồng nhưng sau hơn 1 năm , chủ đầu tư đề xuất "đội vốn" thêm gần 70 tỷ đồng? Ảnh: Quang Duy
Thời điểm đó, dự kiến tổng mức đầu tư theo Quyết định số 949 của UBND tỉnh Thanh Hóa là 21.883 triệu đồng (Hai mươi mốt tỷ tám trăm tám mươi ba triệu đồng). Trong đó, vốn ngân sách tỉnh là 3 tỷ đồng, số còn lại hơn 18 tỷ đồng được huy động từ vốn ngân sách huyện, xã, nguồn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác.