Thanh Hóa ứng phó với bão số 3

Đêm qua và sáng 7/9, khu vực Thanh Hóa có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Qua đo mưa từ các trạm đo mưa tự động từ 19 giờ ngày 6/9 đến 5 giờ ngày 7/9 Thanh Hóa có lượng mưa phổ biến từ 10-40mm.

Người dân Thanh Hóa đóng cát vào bao bì, phòng chống bão số 3.

Người dân Thanh Hóa đóng cát vào bao bì, phòng chống bão số 3.

Hiện nước trong các hồ chứa có dung tích hữu ích lớn đều thấp hơn mực nước dâng bình thường từ hơn 4m đến hơn 14m; mực nước trên các sông ở Thanh Hóa thấp hơn báo động 1 từ 1,35m đến 6,8m.

Trong ngày 6/9 những đợt gió, giật mạnh làm ngã, đổ, gãy cây xanh tại các địa phương, nhất là khu vực đô thị. Phương tiện, nhân lực của các công ty môi trường đô thị, nhân dân các địa phương đã khẩn trương thu dọn cây xanh bị đổ, gãy, bảo đảm giao thông thông suốt; đồng thời cắt tỉa cành cây, hạn chế đổ gãy cây xanh, chằng chống cây mới trồng, mái nhà, các hạng mục công trình dễ bị gió xô đổ.

Công ty thủy nông vận hành một số trạm bơm tiêu thoát nước đệm phục vụ thu hoạch và bảo vệ cây trồng vụ thu, diện tích nuôi thủy sản.

Phi lao ven biển bị gãy, đổ.

Phi lao ven biển bị gãy, đổ.

Theo bản tin 10 giờ ngày 7/9 của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, trong 24 giờ tới vùng biển ven bờ, bao gồm các huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, thành phố Sầm Sơn, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn và đảo Hòn Nẹ, Hòn Mê, Hòn Miếu, Hòn Đót có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10.

Vùng ngập nước ven bờ, biển động rất mạnh, sóng biển cao từ 2-3m; ngoài khơi sóng biển cao từ 3-5m, biển động dữ dội.

Công nhân Công ty môi trường Thanh Hóa cắt, thu gom cây đổ trong đêm 6/9.

Công nhân Công ty môi trường Thanh Hóa cắt, thu gom cây đổ trong đêm 6/9.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tăng cường theo dõi thông tin, dự báo bão, mưa, lũ để thực hiện phương án ứng phó với ngập, úng. Chủ động tiêu nước đệm, phối hợp với ngành điện trong việc đóng điện cho các trạm bơm tiêu để sẵn sàng bơm tiêu úng; vận hành tối đa các công trình khi có ngập, úng xảy ra.

Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 3, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi cùng các địa phương thường xuyên kiểm tra đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập, kịp thời phát hiện, khẩn trương khắc phục hư hỏng, chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn công trình.

Công ty thủy nông vận hành tiêu thoát nước đệm.

Công ty thủy nông vận hành tiêu thoát nước đệm.

Với các hồ chứa đầy nước, hồ chứa xung yếu, hồ chứa đang thi công, tiếp tục rà soát, bổ sung đầy đủ vật tư phòng, chống lụt bão cho từng công trình theo phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp được phê duyệt; có phương án mở rộng tràn xả lũ khi cần thiết, đặc biệt cần quan tâm đến 86 hồ chứa bị hư hỏng, mất an toàn, trước mùa mưa lũ năm 2024.

Các hồ chứa có cửa van xả lũ, không xả lũ bất thường, gây mất an toàn cho vùng hạ du; thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.

Tổ chức trực ban 24/24 giờ, kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm “4 tại chỗ”.

MAI LUẬN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thanh-hoa-ung-pho-voi-bao-so-3-post829105.html