Thanh Hóa: Vì sao người dân tái định cư chưa nhận đủ tiền hỗ trợ?
Nhiều hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ở tỉnh Thanh Hóa đã được di chuyển đến khu tái định cư (TĐC) mới sinh sống hơn một năm nay, song số tiền hỗ trợ di dời tài sản từ Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh đến nay họ vẫn chưa nhận được!
Theo quy định của tỉnh Thanh Hóa, khi di chuyển đến khu tái định cư, các hộ dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền di dời nhà cửa. Trong đó, hộ gia đình có nhà sàn được Nhà nước hỗ trợ tiền di chuyển 50 triệu động/hộ (40 triệu từ nguồn ngân sách Nhà nước, 10 triệu từ nguồn huy động của MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa); Hộ gia đình có nhà xây cấp 4 được hỗ trợ 75 triệu đồng (50 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước, 25 triệu đồng từ nguồn huy động của MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa) và hộ gia đình có nhà xây 2 tầng trở lên được hỗ trợ 100 triệu đồng (70 triệu đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, 30 triệu đồng từ nguồn huy động của MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa). Tuy nhiên, sau khi tái định cư, nhiều gia đình mới chỉ nhận được số tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, số tiền hỗ trợ từ MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa thì họ chưa nhận được.
Ông Len Văn Thánh, trú tại khu tái định cư bản Lở, xã Nam Động, huyện Quan Hóa cho hay: Được sự quan tâm của Nhà nước, gia đình ông và 33 hộ trong bản được cấp đất, hỗ trợ tiền di dời nhà cửa đến khu tái định cư mới. Riêng nhà ở của gia đình ông Thánh là nhà sàn, được hỗ trợ 50 triệu đồng (40 triệu từ nguồn ngân sách Nhà nước, 10 triệu từ nguồn huy động của MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa). Tuy nhiên, về nơi ở mới gần một năm nay, nhưng gia đình ông Thánh và các hộ có nhà sàn phải di dời chỉ mới nhận được 40 triệu đồng tiền hỗ trợ.
Tương tự, hộ gia đình ông Hà Văn Hằng, ở bản Lở, xã Nam Động cũng được Nhà nước cấp đất, di chuyển nhà sàn về ở tại khu tái định cư, tránh sạt lở. Tuy nhiên, cũng như gia đình ông Thánh, hiện gia đình ông Hằng cũng mới nhận được 40 triệu đồng tiền hỗ trợ di dời nhà cửa.
Trả lời báo chí, bà Hà Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa xác nhận: Có 73 hộ dân trên địa bàn huyện chuyển đến khu tái định cư bản Lở và bản Tang đã nhận đủ số tiền di dời từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ từ nguồn huy động của MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa thì do khó khăn về việc huy động, nên cấp trên chưa thể cân đối và bố trí nguồn. Theo bà Nga, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và chia sẻ khó khăn với Nhà nước.
Về nguyên nhân chậm tiền hỗ trợ di dời nhà cửa các hộ tái định cư, trả lời báo chí, bà Phạm Thị Thanh Thủy - Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, kiêm Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, cho hay: Sau trận lũ quét ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (tháng 8/2019), khiến hàng chục người dân bị chết và mất tích, hàng chục ngôi nhà bị vùi lấp, cuốn trôi, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại 9 huyện miền núi, giai đoạn 2021-2025. Thời điểm phê duyệt, kinh phí để thực hiện có 2 nguồn là từ ngân sách tỉnh và từ nguồn huy động xã hội hóa thông qua MTTQ Việt Nam các cấp của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa chưa có đủ nguồn (thông qua vận động) để đảm bảo thực hiện đề án trên.
Theo bà Thủy, để kêu gọi, vận động xã hội hóa cần có chủ trương, kế hoạch và lộ trình thực hiện. “Mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị 22, giải ngân hơn 11 tỷ hỗ trợ cho 301 hộ TĐC. Đồng thời, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tiếp tục rà soát, bổ sung danh sách các hộ dân thực hiện di dời, TĐC trước thời điểm ban hành Chỉ thị 22 để báo cáo UBND tỉnh trích nguồn xã hội hóa hỗ trợ cho các hộ. Ước tính, số tiền hỗ trợ các hộ dân còn lại là khoảng 3 tỷ đồng”, Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm.
Theo thông tin tổng hợp từ Tỉnh ủy Thanh Hóa thì đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, giai đoạn 2021-2025 được triển khai thực hiện tại 9 huyện miền núi. Mục tiêu của đề án là thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư cho 2.846 hộ dân trên địa bàn 54 xã của 9 huyện di chuyển đến khu tái định cư mới an toàn, ổn định. Đề án được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2022-2023), sắp xếp, ổn định cho 1.827 hộ (gồm: tái định cư xen ghép 813 hộ, tái định cư liền kề 409 hộ, tái định cư tập trung 605 hộ); giai đoạn 2 (2024 – 2025), sắp xếp, ổn định cho 1.001 hộ (gồm: tái định cư xen ghép 305 hộ, tái định cư liền kề 423 hộ, tái định cư tập trung 273 hộ).
Đến nay, về tái định cư xen ghép, toàn tỉnh đã thực hiện sắp xếp, bố trí cho 131/813 hộ, đạt 16,1% kế hoạch. Các hộ còn lại chưa có kinh phí và chưa tìm được quỹ đất để thực hiện. Về tái định cư liền kề và tái định cư tập trung, tổng các địa phương đã thực hiện sắp xếp, bố trí cho 151 hộ (tái định cư tập trung 151/605 hộ, đạt 24,95%; tái định cư liền kề chưa bố trí, sắp xếp). Việc đầu tư các dự án hạ tầng khu tái định cư đang tiếp tục triển khai.