Thanh Hóa – vùng đất tiềm năng phát triển nông nghiệp quy mô lớn
Là địa phương có đầy đủ các đặc điểm địa hình miền núi, trung du, đồng bằng, chính là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa phát triển các lĩnh vực sản xuất: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Với diện tích tự nhiên lớn thứ 5 cả nước, nguồn lao động dồi dào, cùng với những chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp vào đầu tư... đã trở thành lợi thế của tỉnh cho phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại.
Tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp
Những khu đất rộng đang được cày bừa để trồng cây thức ăn chăn nuôi của Công ty CP Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH triển khai tại xã Yên Mỹ (Nông Cống). Ảnh: Lê Đồng
Chủ trương tích tụ, tập trung đất đai, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn thực ra đã có từ lâu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hiệu quả của chủ trương này mới rõ nét và ngày càng hiện thực hóa trên thực tế. Hiện tại, ở hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp. Quá trình tích tụ, tập trung đất đai của các địa phương cũng diễn ra mạnh mẽ, nhất là sau khi có Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào năm 2019... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh, giao kế hoạch cho các địa phương, năm 2020, tích tụ khoảng 10.790 ha đất sản xuất; trong đó, 3.840 ha cho trồng trọt, 550 ha cho chăn nuôi, 300 ha nuôi trồng thủy sản, 6.100 ha cho sản xuất lâm nghiệp tập trung. Đáng nói, trong kế hoạch tích tụ cho sản xuất nói trên, sẽ có khoảng gần 2.500 ha được hỗ trợ kinh phí để phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 31,5 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, nhiều mô hình đã và đang được triển khai, với đối tượng hỗ trợ là các nhóm cây rau màu, cây dưa, cây dược liệu, cây ăn quả, tôm thẻ chân trắng.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng nhiều địa phương trong tỉnh, tại các mô hình sản xuất nhờ tập trung ruộng đất, triển khai theo quy mô lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, giúp các địa phương và người nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết hữu cơ giữa cây trồng với vật nuôi, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhiều điển hình trong thực tiễn đã được khẳng định, đơn cử như việc liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất hạt giống lúa lai F1, giống lúa thuần và lúa thương phẩm tại các huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống... giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế từ 1,2 đến 1,5 lần so với sản xuất truyền thống quy mô nhỏ. Tại huyện miền núi Cẩm Thủy, từ khi kêu gọi được Công ty TNHH Thuận Tâm Thành của tỉnh Hưng Yên vào liên kết sản xuất lúa gạo quy mô lớn, chất lượng cao, giá trị sản xuất các vùng liên kết này đã đạt từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận cao hơn từ 30 đến 50 triệu đồng so với canh tác truyền thống trước đây. Tích tụ, tập trung đất đai cũng mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh và phát triển cho vùng trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Hiện nay, vùng trồng cây ăn quả của các xã ven sông Chu trên địa bàn huyện đã cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/ha mỗi năm, lợi nhuận đạt khoảng 350 triệu đồng mỗi ha. Tại huyện Triệu Sơn, mô hình tích tụ đất đai trồng dược liệu tại xã Thái Hòa cũng cho thu nhập đến 400 triệu đồng/năm cho mỗi ha. Có thể dẫn chứng hàng trăm ví dụ khác về hiệu quả tích tụ đất đai để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, cho hiệu quả cả về kinh tế, xã hội, nâng cao tư duy sản xuất cho người dân.
Những huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay đều có truyền thống thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ở đó, nông dân sẵn sàng thay đổi phương cách sản xuất theo xu thế, dễ dàng vận động góp những thửa ruộng thành vùng sản xuất chung với diện tích lớn để liên kết với doanh nghiệp phát triển sản xuất. Trong trồng trọt, hiện đang nổi lên các địa phương điển hình tích tụ đất đai, như Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Yên Định, Thọ Xuân, TP Thanh Hóa... Lĩnh vực lâm nghiệp cũng đã bắt đầu hình thành nhiều vùng nguyên liệu gỗ, luồng ở nhiều huyện miền núi: Như Xuân, Thạch Thành, Như Thanh, Thường Xuân, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Quan Hóa. Với nuôi trồng thủy sản, nhiều vùng nuôi rộng lớn đã và đang được triển khai bởi các doanh nghiệp, trên địa bàn các huyện Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa. Các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Bá Thước, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Quan Sơn lại đang cho thấy có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu, nhất là trồng dưới tán rừng.
Với những vùng đất bán sơn địa rộng lớn ở các huyện trung du và miền núi thấp, bấy lâu chưa được phát huy giá trị, nay đã trở thành tiềm năng to lớn cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi. Vừa qua, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 2 doanh nghiệp đầu tư các dự án chăn nuôi tầm cỡ trên địa bàn tỉnh. Đầu tiên là Công ty TNHH Chăn nuôi Newhop đầu tư các trang trại nuôi lợn giống và lợn thịt tại huyện Thạch Thành và Ngọc Lặc. Với tổng vốn đầu tư khoảng 67 triệu USD, các trang trại quy mô lớn này dự kiến sẽ phát triển cùng lúc tới 19.500 lợn nái, 250.000 lợn thịt và xuất khoảng 500.000 lợn giống mỗi năm. Một doanh nghiệp khác là Tập đoàn DABACO Việt Nam đầu tư dự án khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thạch Thành với diện tích 52 ha, công suất nuôi khoảng 6.500 lợn nái mỗi năm, dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 69.500 lợn giống mỗi năm, 9.800 lợn hậu bị/năm và 77.400 con lợn thương phẩm mỗi lứa.
Các nông – lâm trường cũ và các công ty lâm nghiệp với những vùng đất tập trung hàng nghìn ha, sau hàng chục năm chỉ duy trì sản xuất cầm chừng do cơ chế quản lý có nhiều bất cập, nay lại trở thành tiềm năng lớn để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư sản xuất. Tỉnh Thanh Hóa có 5 nông – lâm trường lớn (Yên Mỹ, Lam Sơn, Sông Âm, Vân Du, Thống Nhất) và 2 công ty lâm nghiệp (Cẩm Ngọc, Lang Chánh), nay đã được sắp xếp, đổi mới thành các công ty theo Nghị quyết số 30-NQ/TW năm 2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/NĐ-CP năm 2014 của Chính phủ. Tổng diện tích đất của 5 công ty trên là các nông – lâm trường cũ đang quản lý, sử dụng lên đến 11.606,52 ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 3.100 ha, đất phi nông nghiệp hơn 358 ha, đất lâm nghiệp hơn 8.000 ha, diện tích gần 25 ha nuôi trồng thủy sản, còn lại là đất chưa sử dụng. Tại các vùng đất sản xuất này, các hộ nông trường viên chỉ được giao đất sản xuất theo các hợp đồng giao khoán, còn các công ty mới là người quản lý, thay mặt Nhà nước cho thuê đất. Cơ chế quản lý kiểu cũ ấy tuy có sự trì trệ, không hợp lý trong nhiều năm qua, nhưng đến nay, lại trở thành cơ hội để các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào đầu tư liên kết sản xuất. Không phải dồn đổi, đã sẵn có những vùng đất bao la rộng lớn, chỉ cần có sự hợp tác đầu tư với những doanh nghiệp lớn là có thể phát triển thành những vùng sản xuất tập trung. Cơ hội đã hiện hữu, hiện đã có 2 công ty thu hút được đối tác vào thành lập Công ty TNHH hai thành viên, đầu tư để phát triển sản xuất quy mô lớn. Trong đó, Công ty CP Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và Thực phẩm sữa TH góp vốn vào Công ty TNHH MTV Yên Mỹ để đầu tư vùng chăn nuôi bò sữa quy mô lớn và nhà máy chế biến sữa tại huyện Nông Cống. Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm hợp tác với Công ty TNHH MTV Sông Âm để phát triển các vùng trồng cây ăn quả quy mô lớn tại huyện Ngọc Lặc.
Với nguồn lực lao động nông nghiệp dồi dào bậc nhất cả nước, nền nông nghiệp đang được cơ giới hóa và hiện đại hóa, diện tích đất nông nghiệp lên tới 909.766 ha, cũng chính là tiềm năng để đưa lĩnh vực nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh, hướng đến sản phẩm chất lượng cao và xuất khẩu. Những kết quả tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất đang diễn ra trên thực tế, cộng với ngày càng nhiều chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp của tỉnh, kỳ vọng về những vùng sản xuất hiện đại, hiệu quả cao tại Thanh Hóa là hoàn toàn khả thi.