Thanh Lam luôn run khi hát nhạc Phó Đức Phương
Nhạc sĩ Phó Đức Phương ra đi khi vẫn còn nhiều dự định dang dở, những ấp ủ với âm nhạc mà ông mong muốn thực hiện.
Trưa 24/9, đông đảo nghệ sĩ có mặt tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Trần Thánh Tông, Hà Nội) để tiễn đưa nhạc sĩ Phó Đức Phương về nơi an nghỉ cuối cùng. Ông qua đời sau một thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư. Sự ra đi của ông là mất mát lớn với âm nhạc Việt. Vị nhạc sĩ tài hoa còn nhiều dự định chưa kịp thực hiện, ngọn lửa âm nhạc trong ông chưa bao giờ ngừng cháy.
Giá trị âm nhạc Phó Đức Phương sẽ còn mãi
Những ngày nằm trên giường bệnh, Phó Đức Phương luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ. Chị Phó Khánh Chi, con gái nhạc sĩ, chia sẻ ông thường xem các chương trình ẩm thực đó đây, món ăn đường phố. Ông bảo: “Xem vui lắm, bố không ăn được nên nhìn mọi người ăn. Món này ngon lắm con ạ...”.
Đối diện bạo bệnh bằng một niềm tin mạnh mẽ, nhạc sĩ Chảy đi sông ơi giấu đi mọi âu lo, muộn phiền. Như Thanh Lam tâm sự cô nhớ mãi nụ cười khi vào viện thăm Phó Đức Phương. Ngay cả những lúc trong người mệt mỏi, ông vẫn cười.
“Với tôi, đó là nụ cười đầy hy vọng. Nhạc sĩ bảo sứ mệnh của mình chưa hoàn thành. Ông mong sẽ khỏe mạnh để trở về, còn viết tiếp những giai điệu đẹp cho đời”.
Tùng Dương không thể quên lần cuối vào thăm nhạc sĩ Phó Đức Phương, sau live show Khúc hát phiêu ly ở Hà Nội. Anh kể nhạc sĩ rất vui và hạnh phúc, dù chỉ theo dõi đêm nhạc qua mạng trực tuyến.
“Hơn 20 tiết mục, chú vẫn xem và phân tích kỹ ai hát tốt ở đâu, ai hát chưa tốt. Ở gần nhạc sĩ Phó Đức Phương, bạn sẽ thấy mình luôn dồi dào năng lượng, nhiệt huyết. Tôi tin hình ảnh tích cực ấy sẽ truyền cảm hứng cho rất nhiều người khi đối diện khó khăn, thử thách”.
Thanh Lam và Tùng Dương là hai trong số những ca sĩ may mắn có cơ hội được thể hiện nhiều tác phẩm của Phó Đức Phương. Với họ, đó là kho tàng âm nhạc vô giá, các ca khúc thấm đẫm hồn quê, tình yêu quê hương đất nước cũng như triết lý nhân sinh.
Ấn tượng sâu sắc nhất trong Thanh Lam là Một thoáng Tây Hồ, Không thể và có thể. “Người đã ra đi có thể trở lại. Vết thương ngày nào có thể liền da”… Thanh Lam tin nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng như những sáng tác của ông không bao giờ mất đi.
Tùng Dương bảo anh đặc biệt yêu thích các ca khúc về những con sông của cố nhạc sĩ. Anh cảm thấy hạnh phúc khi mình chính là người thể hiện ca khúc cuối cùng của Phó Đức Phương trước khi ông qua đời.
“Chú có nhiều tác phẩm để đời, đặc biệt ca khúc về những con sông đã chạm đến tâm khảm người nghe. Tôi từng hát Bên dòng sông Cái. Hay tác phẩm cuối Văn Giang - Một khúc sông Hồng, tôi may mắn đã kịp thu thanh và biểu diễn trong live show Khúc hát phiêu ly”.
Trong ký ức của Thanh Lam và Tùng Dương, nhạc sĩ Phó Đức Phương luôn cầu toàn, kỹ tính khi làm việc. Những nghệ sĩ hợp tác với ông lúc nào cũng phải tập trung, không được lơ là.
“Nhạc sĩ kỹ tính trong từng nốt nhạc, câu luyến láy, ngân nga. Khi hát ca khúc của ông, tôi luôn run, chỉ sợ hát sai những gì nhạc sĩ viết ra. Chú là người kiệm lời khen, nhưng qua ánh mắt, mình có thể cảm nhận được ông hài lòng hay không”, Thanh Lam tâm sự.
Theo Tùng Dương, chính sự khắt khe đến nghiêm khắc trong nghệ thuật của Phó Đức Phương đã góp phần tạo nên những giá trị lớn.
Tùng Dương nhớ lại: "Chỉ riêng việc hẹn lịch tập với chú cũng phải chuẩn. Ca sĩ tập và hát trả bài cho chú cũng giống ở trường học, phải đúng từng cao đoạn, luyến láy hay nốt phiêu. Chú cho phép người nghệ sĩ bay bổng, sáng tạo nhưng trong khuôn khổ nhất định. Chú là dân chuyên toán mà.
Tôi vẫn nhớ một câu nói của chú ‘Cậu có thể là ngôi sao nhưng đừng chủ quan với danh vọng của mình’. Chú Phương có thể mắng tôi như một người cha mắng con, tôi đều chấp nhận”.
Những dự định dang dở...
Tùng Dương tâm sự dù ở hai thế hệ khác nhau, giữa anh và cố nhạc sĩ Phó Đức Phương có một mối giao cảm đặc biệt. Nhạc sĩ luôn “khoe” với anh những sáng tác mới. Và Tùng Dương chưa bao giờ bị mắng.
“Nhiều nghệ sĩ ấp ủ làm đêm nhạc về bộ tứ Trần Tiến, Dương Thụ, Nguyễn Cường và Phó Đức Phương, nhưng có lẽ tôi may mắn đủ duyên để làm. Tôi nhớ mãi hai năm trước trong live show Bộ tứ sông Hồng. Sau đêm nhạc, nhạc sĩ Phó Đức Phương ôm tôi nói rằng ‘Chú rất tự hào về cháu. Cháu không chỉ hát hay. Đối với chú, cháu là một người biên tập tốt. Khi live show của chú diễn ra, nhờ cháu biên tập”.
“Điều tôi, Thanh Lam, Mỹ Linh và nhiều anh chị em nghệ sĩ khác cảm thấy mãn nguyện là đã hoàn thành được live show Khúc hát phiêu ly trước khi nhạc sĩ đi về cõi vĩnh hằng. Và tôi đã biên tập chương trình ấy, đúng như nguyện vọng trước đây của ông”, Tùng Dương xúc động nói.
Khi ra đi, Phó Đức Phương còn nhiều dự định dang dở. Con gái nhạc sĩ chia sẻ: “Còn đó bao nỗi niềm khát khao được sống tiếp để thực hiện những sáng tác dang dở, chép lại những trang sử hào hùng của dân tộc bằng âm nhạc đã không được thực hiện… Con chưa kịp thu âm hết những chia sẻ về các sáng tác của bố thì bố đã đi”.
Trên giường bệnh, ông cũng từng tâm sự với Tùng Dương những ấp ủ chưa thể hoàn thành. Nam ca sĩ nghẹn ngào: “Đó là những tác phẩm sử thi hào hùng, nhiều lớp lang, chưa kịp công bố. Có lẽ tôi và nhiều nghệ sĩ khác sẽ cùng gia đình tiếp quản giá trị mà ông để lại. Tôi từng hứa sẽ thực hiện lần lượt các CD về Bộ tứ sông Hồng”.
Sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương là sự trở về của người tráng sĩ sông Hồng với đất mẹ, với quê hương, dòng sông, bến nước. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp tiễn đưa ông trong giai điệu của ca khúc Cũng một con đò, theo ước nguyện của nhạc sĩ lúc sinh thời.
“Gánh nặng nhân gian nặng đầy vai
Bánh xe luân trầm đâu chừa ai
Một ngày, một tháng, một năm
Một đời hòn đất sủi tăm mặt hồ
Nắng soi cái tổ tò vò
Dọc ngang cũng một con đò ấy thôi”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thanh-lam-luon-run-khi-hat-nhac-pho-duc-phuong-post1134787.html