Thanh Lãng đột phá nâng cao thu nhập từ phát triển thương mại dịch vụ

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, những năm qua, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên đã tạo điều kiện khuyến khích các tiểu thương, thành phần kinh tế mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh ngành nghề thương mại - dịch vụ (TMDV), coi đây là một trong những khâu “đột phá”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.

Với những thuận lợi về giao thông, thị trấn Thanh Lãng ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh, kéo theo sự phát triển của ngành thương mại- dịch vụ

Với những thuận lợi về giao thông, thị trấn Thanh Lãng ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh, kéo theo sự phát triển của ngành thương mại- dịch vụ

Nằm ở phía Nam, cách trung tâm huyện khoảng 6 km, thị trấn Thanh Lãng được công nhận là đô thị loại V trực thuộc tỉnh, là trung tâm chuyên ngành cấp huyện về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một cụm liên xã của huyện Bình Xuyên.

Với những lợi thế sẵn có, để người dân giao lưu, buôn bán hàng hóa, thúc đẩy phát triển TMDV, Đảng ủy, chính quyền thị trấn

đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng ngành TMDV; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, các hộ dân có nhà mặt đường, gần chợ, đầu tư mở rộng ngành nghề kinh doanh.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư thông qua việc tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp từ mặt bằng sản xuất, kinh doanh đến cải cách thủ tục hành chính.

Lĩnh vực TMDV của thị trấn những năm gần đây phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng, góp phần cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Hiện nay, thị trấn có hơn 880 hộ dân, tiểu thương kinh doanh, phát triển TMDV dọc trên các tuyến đường trục chính. Các loại hình kinh doanh, dịch vụ khá đa dạng, phong phú, tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như: kinh doanh vận tải, buôn bán chế biến gỗ, điện tử, điện máy, cơ khí, buôn bán vật liệu xây dựng, tạp hóa, dịch vụ ăn uống...

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song hầu hết các doanh nghiệp, các tiểu thương vẫn duy trì kinh doanh và có sự tăng trưởng khá. Với việc đẩy mạnh phát triển TMDV, thời gian qua, thị trấn đã và đang chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lao động tại địa phương. Nếu như cách đây 5 năm, lao động trong lĩnh vực TMDV chỉ chiếm từ 25 – 30%, thì hiện nay đã chiếm từ 60 – 70%.

Năm 2021, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thị trấn đạt hơn 741 tỷ đồng; trong đó, TMDV đạt hơn 315 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42,5%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, ước tính doanh thu từ ngành TMDV đạt 99,76 tỷ đồng.

Ngành TMDV phát triển đã tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu lao động, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt hơn 52 triệu đồng/năm.

Diện mạo của thị trấn Thanh Lãng đang từng bước thay đổi rõ rệt, các cửa hàng kinh doanh, sản xuất dịch vụ được mở rộng, hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa diễn ra tấp nập. Nhiều hộ gia đình nắm bắt được lợi thế này của địa phương đã đầu tư phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ.

Chị Nguyễn Hồng Nhung, tổ dân phố Độc Lập chia sẻ: “Trong khoảng 2 năm trở lại đây, sức mua của người dân bắt đầu tăng mạnh. Nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, năm 2020, gia đình tôi đã đầu tư, mở rộng quy mô từ cửa hàng tạp hóa thành siêu thị mini chuyên cung cấp các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Các mặt hàng cũng đa dạng phong phú hơn, từ 200 mặt hàng lên hơn 300 mặt hàng kinh doanh. Bên cạnh cửa hàng tạp hóa, tôi còn buôn bán thêm đồ văn phòng phẩm, giải quyết việc làm cho 2-4 lao động thường xuyên với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng”.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Lãng Nguyễn Duy Lực cho biết: “Những năm qua, hoạt động TMDV trên địa bàn thị trấn không ngừng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân.

Chính quyền địa phương luôn khuyến khích các hộ dân mở rộng ngành nghề, kinh doanh TMDV. Đồng thời, phối hợp thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các nguồn vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua các hệ thống ngân hàng và quỹ tín dụng.

Ngoài các hộ có điều kiện phát triển TMDV, thị trấn khuyến khích người dân phát triển ngành nghề truyền thống như chế biến nông sản, mộc mỹ nghệ và học nghề mới để tạo thêm việc làm lúc nông nhàn và đa dạng hóa sản phẩm địa phương”.

TMDV phát triển không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương mà còn tạo sức hút đầu tư và phát triển các dịch vụ thương mại khác như ngân hàng, tín dụng, bưu chính, viễn thông, bảo hiểm xã hội. Đến nay, cơ cấu lao động của thị trấn chuyển dịch rất tích cực, tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm xuống còn 10,2%.

Để thúc đẩy phát triển TMDV hơn nữa, thị trấn Thanh Lãng tiếp tục tạo điều kiện về thủ tục hành chính, mặt bằng và giữ vững an ninh trật tự để các tổ chức cá nhân yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các ngành chức năng của huyện tăng cường quản lý thị trường, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; khuyến khích người dân đa dạng hóa các loại hình thương mại, mở rộng và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ trên địa bàn trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Thảo My

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78099/thanh-lang-dot-pha-nang-cao-thu-nhap-tu-phat-trien-thuong-mai-dich-vu.html