Thành lập Ban Chỉ đạo Phong trào Ngành Tài chính thi đua xây dựng xã hội học tập
Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Quyết định số 155/QĐ-BTC ngày 12/4/2024 thành lập Ban Chỉ đạo Phong trào 'Ngành Tài chính thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030' của Bộ Tài chính.
Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Cao Anh Tuấn là Trưởng ban. Phó Trưởng ban là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Các thành viên gồm: Phó Bí thư Đảng ủy Bộ; Chủ tịch Công đoàn Bộ; Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Cục trưởng Cục Kế hoạch – Tài chính; Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan; Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước; Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua ban hành kèm theo Quyết định số 2949/QĐ-BTC ngày 29/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đồng thời, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua hàng năm, định kỳ, chuyên đề tại Bộ Tài chính.
Trưởng ban, Phó Trưởng ban khi ký các văn bản chỉ đạo được sử dụng con dấu của Bộ Tài chính. Vụ Tổ chức cán bộ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc Ban Chỉ đạo.
Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Ban Chỉ đạo giải thể sau khi kết thúc Phong trào thi đua theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Mục đích của phong trào nhằm tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc chủ động, tích cực học tập và tự học tập nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong ngành Tài chính.
Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, Thủ trưởng đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả Phong trào thi đua, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy các tập thể, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính học tập và tự học tập suốt đời.
Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng đến các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, tiêu chí cụ thể, phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tiễn, chức năng, nhiệm vụ được Bộ trưởng giao đối với từng đơn vị, tránh hình thức, lãng phí./.
Nhân rộng các điển hình tiên tiến
Theo kế hoạch triển khai phong trào, thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện Phong trào thi đua; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Phong trào thi đua. Định kỳ sơ kết, tổng kết Phong trào thi đua, qua đó chủ động phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng và khen thưởng kịp thời các tập thể, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính tiêu biểu xuất sắc trong Phong trào thi đua.
Gắn Phong trào thi đua với cuộc vận động đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.