Thành lập Ban Chỉ đạo về trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định số 1718/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo về trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo với mục tiêu điều phối, chỉ đạo toàn diện quá trình xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, nhằm đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được Bộ Chính trị phê duyệt, baochinhphu.vn đưa tin.
Theo quy định, Thủ tướng giữ chức Trưởng Ban Chỉ đạo, các Phó Trưởng ban bao gồm Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy Thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều phối toàn diện các hoạt động liên quan đến việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, bao gồm xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy quản lý, điều hành đến việc huy động nguồn lực, bố trí cơ sở hạ tầng và hợp tác quốc tế.
Thủ tướng cũng đã ký quyết định ban hành quy chế hoạt động của ban. Theo đó, các thành viên làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trong quá trình hoạt động, ban phải tuân thủ nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận công khai, đảm bảo thống nhất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của ban.
Cơ quan thường trực thực hiện các nhiệm vụ theo quy định, đôn đốc các ủy viên, chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách hoặc giải pháp xây dựng dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động đề xuất các giải pháp, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế để triển khai các nhiệm vụ được giao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, nhằm thu hút vốn, công nghệ và quản lý hiện đại.
Các chính sách đề xuất bao gồm thành viên trung tâm tài chính, chính sách tiền tệ, ngân hàng và quản lý ngoại hối, thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho các mô hình kinh doanh fintech, tài chính và phát triển thị trường vốn, thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, xuất nhập cảnh, đi lại và tạm trú, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, lao động, việc làm, tiền lương và an sinh xã hội, chính sách đối với nhà đầu tư chiến lược, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy, hạ tầng kỹ thuật và xã hội, xuất nhập khẩu và phân phối hàng hóa, dịch vụ, phí và lệ phí và giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Đặc biệt, bộ đề xuất thiết lập hệ thống đăng ký thành viên trung tâm tài chính, áp dụng cho các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, sàn giao dịch chứng khoán, vàng, ngoại tệ, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm và các tổ chức liên quan khác.