Thành lập quận Gia Lâm là kết quả phấn đấu của toàn huyện

Sau khi thành lập, quận Gia Lâm có diện tích tự nhiên 116,64km2, quy mô dân số hơn 300.000 người, có 16 phường trực thuộc, bao gồm: Trâu Quỳ, Dương Xá, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng, Kim Đức.

Sáng 22/9, tại Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận. Ngay sau khi Kỳ họp kết thúc, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn nhanh bà Đặng Thị Huyền – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm xung quanh vấn đề này.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền.

Thưa bà, việc HĐND TP thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận trên cơ sở nguyên trạng có ý nghĩa như thế nào đối với huyện? Dư luận Nhân dân trên địa bàn về sự kiện này ra sao, thưa bà?

- Có thể nói, người dân Gia Lâm rất phấn khởi, vui mừng khi HĐND TP đã biểu quyết và thống nhất rất cao ban hành Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm, TP Hà Nội. Thành lập quận Gia Lâm có ý nghĩa rất lớn, đây chính là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, luôn mong muốn xây dựng một Gia Lâm văn minh, giàu mạnh; là sự ghi nhận của các cấp, các ngành từ Trung ương đến thành phố về sự phát triển lớn mạnh của Gia Lâm; là sự cổ vũ, niềm tự hào của Nhân dân Gia Lâm và là động lực to lớn đánh dấu bước phát triển của Gia Lâm trong giai đoạn mới.

Đây sẽ là cơ hội thuận lợi giúp khơi dậy và phát huy mọi lợi thế, tiềm năng sẵn có để Gia Lâm góp phần cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng tầm là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại dịch vụ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đối chiếu theo các quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì huyện Gia Lâm đã đạt về tiêu chuẩn thành lập quận và thành lập phường với kết quả rất cao. Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này?

- Bám sát định hướng phát triển của Thủ đô, Gia Lâm đặt mục tiêu phấn đấu trở thành quận vào năm 2025, định hướng đến năm 2030 là đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại. Huyện đã xây dựng 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện, từng bước vững chắc; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; duy trì mức tăng trưởng nhanh và bền vững.

Hạ tầng huyện Gia Lâm được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Trong ảnh: Phố Thành Trung , thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm hiện nay.

Hạ tầng huyện Gia Lâm được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Trong ảnh: Phố Thành Trung , thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm hiện nay.

Huyện đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa, quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực; đồng thời phát huy thế mạnh của các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, đóng góp tích cực vào thu ngân sách, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.

Đặc biệt trong thời gian qua, huyện đã ưu tiên nguồn lực dành cho công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn quy định. Hàng trăm dự án trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, trong đó có nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng như: Nút giao Cổ Linh, đường Lý Thánh Tông, đường song hành và đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng…

Các dự án hoàn thành đã mở ra nhiều trục giao thông kết nối xuyên suốt khu vực phía Đông với các quận, huyện, tỉnh, thành lân cận, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và đẩy mạnh kết nối giao thương, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đến nay huyện đã đạt 5/5 tiêu chuẩn để thành lập quận, đạt 31/31 tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định. Các xã dự kiến thành lập phường đã đạt 4/4 tiêu chuẩn để thành lập các phường thuộc quận theo quy định.

Đế có được kết quả như trên, Huyện ủy Gia Lâm đã chỉ đạo hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở quán triệt chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là thành lập quận Gia Lâm.

Một tuyến đường đi qua địa bàn xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm.

Một tuyến đường đi qua địa bàn xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm.

Tuyên truyền, vận động huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là nhân dân trên địa bàn tham gia thực hiện. Có thể nói, hoàn thành được các nội dung và được HĐND TP thông qua là sự nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân Gia Lâm trong thời gian qua.

Để hoàn thành mục tiêu lên quận vẫn còn nhiều việc phải làm. Vậy sau Kỳ họp HĐND TP này, huyện Gia Lâm sẽ tập trung triển khai nội dung gì, thưa bà?

- Ngay sau Kỳ họp của HĐND TP, song song với việc phối hợp cùng với các sở, ngành thực hiện nhiệm vụ UBND TP giao trình các Bộ, ngành thẩm định, báo cáo Chính phủ để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết thành lập quận và các phường thuộc quận Gia Lâm, huyện sẽ tập trung tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là trong các lĩnh vực cải cách hành chính, quản lý đất đai, xây dựng, quản lý đô thị, để khi thành quận có thể bắt nhịp ngay với công việc.

Nút giao Cổ Linh, đường song hành và đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua địa bàn huyện Gia Lâm.

Nút giao Cổ Linh, đường song hành và đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua địa bàn huyện Gia Lâm.

Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác rà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nâng cao chất lượng đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung đầu tư, khơi dậy cho được nguồn lực văn hóa, nhất là bảo tồn, phát huy hơn 300 di tích trên địa bàn, các lễ hội, nhất là những di tích, lễ hội đặc sắc để xây dựng Gia Lâm là quận văn hiến, văn minh và hiện đại.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Hoàng Quyết

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thanh-lap-quan-gia-lam-la-ket-qua-phan-dau-cua-toan-huyen.html