Thành lập thành phố Bến Cát tỉnh Bình Dương
Sáng 25/4, HĐND thị xã Bến Cát, Bình Dương đã tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát.
Thành phố Bến Cát được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 234,35 km2, quy mô dân số 364.578 người của thị xã Bến Cát, giáp TP Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một, các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương và TP HCM. Sau khi được thành lập, Bến Cát trở thành thành phố thứ 5 trực thuộc tỉnh Bình Dương.
Các phường được thành lập gồm phường An Điền với diện tích tự nhiên là 31,22 km2, quy mô dân số 25.363 người, giáp các phường An Tây, Mỹ Phước, Thới Hòa, xã Phú An, thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng và huyện Dầu Tiếng.
Phường An Tây với diện tích tự nhiên 44,01 km2, quy mô dân số 41.917 người và giáp phường An Điền, xã Phú An thuộc thị xã Bến Cát, huyện Dầu Tiếng và TP HCM.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các đơn vị hành chính mới được thành lập nêu trên có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2024.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Cát đã đạt được trên hành trình xây dựng và phát triển từ thị xã trở thành thành phố sau 10 năm chia tách.
Theo ông Phương, qua 10 năm hình thành và phát triển, Bến Cát đã nhanh chóng vươn lên thành đô thị năng động với ngành kinh tế công nghiệp là trọng yếu, hoạt động thương mại - dịch vụ từng bước phát triển.
Ông Phương cũng cho biết đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thị xã Bến Cát đến năm 2040 đã định hướng Bến Cát trở thành trung tâm đô thị - dịch vụ - công nghiệp, đầu mối giao thông phát triển theo 2 hướng chính là phát triển hành lang thương mại dịch vụ dọc Quốc lộ 13 theo hướng Bắc - Nam và phát triển các khu đô thị thương mại dịch vụ dọc theo đường Vành đai 4 TP HCM, tuyến vận tải theo hướng Đông Tây.
Đến nay, Bến Cát có 6.734 dự án, trong đó có 5.904 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 66.935 tỷ đồng và 830 dự án vốn FDI với tổng vốn gần 10 tỷ USD.
Với những kết quả trên, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định Bến Cát đã trở thành vùng đất hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng hàng ngàn lao động.
Xác định những công việc cần làm sau khi thành lập thành phố, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu lãnh đạo tỉnh, thành phố thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ gồm sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ; chỉnh trang và phát triển đô thị; đảm bảo an sinh xã hội gắn với giữ vững ổn định về quốc phòng an ninh trong tình hình mới.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhấn mạnh sự kiện thành lập thành phố Bến Cát là cột mốc quan trọng của tỉnh.
"Bến Cát còn nhiều mục tiêu lớn phải phấn đấu và rất nhiều việc cần phải làm tốt hơn để trở thành “Bến vàng” như lời nhắn nhủ và sự kỳ vọng của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân Bến Cát, vào tháng 9/2005," ông Minh nói.
Để thực hiện những nhiệm vụ trên, ông Minh yêu cầu sự chung tay xây dựng của cả hệ thống chính trị thành phố, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân Bến Cát tiếp tục đoàn kết, chủ động nắm bắt các cơ hội, đưa Bến Cát ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại; người dân có được cuộc sống ấm no và hạnh phúc.