Thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt

Để bảo đảm tính chuyên môn và chuyên sâu trong hoạt động xét xử vụ việc sở hữu trí tuệ, phá sản, bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán, Hội đồng thẩm phán khi xét xử các vụ án hành chính, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 đã bổ sung quy định về việc thành lập các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Phá sản.

Bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn mới đối với tòa án

Tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 6 luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến nêu rõ, Luật Tòa án nhân dân năm 2024 đã bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn mới đối với Tòa án. Đó là: xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật và giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc. Luật không quy định nhiệm vụ, quyền hạn tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tổ vụ án hình sự tại phiên tòa.

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến. Ảnh H.Ngọc

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến. Ảnh H.Ngọc

Đáng lưu ý, luật điều chỉnh nhiệm vụ quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Theo đó, trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền, các bên thu thập cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án theo quy định của pháp luật. Tòa án tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, giao nộp; kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ; căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp, làm rõ tại phiên tòa, phiên họp theo quy định của pháp luật và kết quả tranh tụng để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.

Bổ sung quy định nhằm xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án theo thẩm quyền xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

Theo đó, Tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền xem xét, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan, toàn diện các tình tiết của vụ án, vụ việc trên cơ sở tài liệu, chứng cứ, kết quả tranh tụng và căn cứ vào quy định của pháp luật để quyết định các vấn đề của vụ án, vụ việc.

Tòa án phúc thẩm có thẩm quyền xem xét, đánh giá, nhận định về kháng cáo, kháng nghị, các tình tiết của vụ án, vụ việc; căn cứ áp dụng pháp luật và việc xét xử, giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị; giữ nguyên, hủy, sửa bản án, quyết định sơ thẩm, bảo vệ bản án, quyết định đã xét xử, giải quyết đúng pháp luật; khắc phục những sai sót và thực hiện thẩm quyền khác theo quy định của luật.

Giám đốc thẩm có nhiệm vụ xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật; kiểm tra tính đúng đắn của bản án, quyết định bảo vệ bản án, quyết định đã xét xử, giải quyết đúng pháp luật, khắc phục những sai sót trong bản án, quyết định, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Tái thẩm có nhiệm vụ xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị do có tình tiết mới theo quy định của pháp luật.

Bổ sung quy định về chế độ bảo vệ, miễn trừ trách nhiệm đối với Thẩm phán

Để bảo đảm tính chuyên môn và sự chuyên sâu trong hoạt động xét xử vụ việc sở hữu trí tuệ, phá sản, bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán, Hội đồng khi xét xử các vụ án hành chính, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, luật đã bổ sung quy định về việc thành lập các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Phá sản với nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Tòa án sơ thẩm chuyên biệt Hành chính sơ thẩm vụ án hành chính đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh trở lên, trừ các vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính; khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp tỉnh trở lên theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính.

Tòa án sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ sơ thẩm vụ việc về sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; sơ thẩm vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính.

Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản giải quyết vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo quy định của luật.

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nhấn mạnh, “Tòa án Nhân dân Tối cao đang nghiên cứu, rà soát, xây dựng phương án đề xuất xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho thành lập các tòa án nhân dân chuyên biệt sau khi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng Hành chính và Luật Phá sản được sửa đổi, bổ sung.”

Về ngạch, bậc Thẩm phán, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật sửa đổi theo hướng chỉ quy định Thẩm phán gồm 2 ngạch là Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao và Thẩm phán Tòa án nhân dân, như vậy sẽ không còn ngạch Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán cao cấp như luật hiện hành. Luật cũng quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân.

Về nhiệm kỳ của Thẩm phán, Luật quy định Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 5 năm; Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Đặc biệt, Luật bổ sung quy định về chế độ bảo vệ, miễn trừ trách nhiệm đối với Thẩm phán; Bổ sung quy định Thẩm phán được hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc xem xét để công nhận liệt sĩ và chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật khi bị tổn hại tính mạng, sức khỏe vì lý do công vụ...

Về thông tin phiên tòa, luật quy định: người tham dự phiên tòa, phiên họp phải tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy phiên tòa, phiên họp. Thực tế, trong quá trình diễn ra phiên tòa, nhiều thông tin chứng cứ được công bố nhưng chưa được kiểm chứng, đặc biệt thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh. Do đó, Hội đồng xét xử phải xem xét, đánh giá, đồng thời thảo luận tại phòng nghị án, từ đó đưa ra những nhận định, đánh giá trong bản án. Vì vậy, các đối tượng tham gia phiên tòa phiên họp đều phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao khẳng định, nội dung quy định nêu trên không hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí. Theo quy định của pháp luật, việc ghi âm được thực hiện trong toàn bộ thời gian diễn ra phiên tòa; nhưng ghi hình ảnh tại phiên tòa chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, tuyên án và công bố quyết định. Việc ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, thành viên Hội đồng xét xử và những người tham dự phiên tòa khác.

“Để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, Tòa án nhân dân tiến hành ghi âm, ghi hình ảnh của toàn bộ diễn biến phiên tòa. Trong trường hợp cần thiết nếu báo chí yêu cầu, Tòa án nhân dân có thể cung cấp toàn bộ thông tin liên quan đến hình ảnh, diễn biến phiên tòa phục vụ cho hoạt động báo chí, đảm bảo quyền con người, quyền công dân”, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nhấn mạnh.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lap-phap/thanh-lap-toa-an-nhan-dan-so-tham-chuyen-biet-i383668/